Triển vọng từ mô hình nuôi dê thương phẩm ở Ia Ga

Cập nhật 20/12/2021, 10:12:57

Cùng với các mô hình chăn nuôi như: Bò, heo rừng lai, hươu lấy nhung, thỏ…thì mô hình nuôi dê thương phẩm đang được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ia Ga, huyện Chư Prông lựa chọn vì hội tụ các ưu điểm như: dễ nuôi, thời gian sinh sản nhanh, sức đề kháng cao, vốn đầu tư ban đầu ít, đầu ra ổn định,… Đây được xem là hướng đi mới cho nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ trong thời điểm gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp như hiện nay.

Mới đầu tư mô hình nuôi dê thương phẩm được vài tháng nay nhưng anh Lưu Văn Kha ở thôn Tân Thủy, xã Ia Ga, huyện Chư Prông cảm thấy khá hài lòng khi quyết định đầu tư theo hướng này. Anh Kha cho biết, ban đầu gia đình chỉ nuôi vài con, nhưng sau thời gian thấy dê dễ nuôi, ít bị bệnh vặt, ít tốn công chăm sóc nên gia đình anh quyết định đầu tư nuôi thêm. Hiện đàn dê hơn 30 con của gia đình anh phát triển tốt, đầu ra tương đối ổn định.

Anh Lưu Văn Kha – Thôn Tân Thủy, xã Ia Ga, huyện Chư Prông cho biết: “Tôi thấy anh em trong xã nuôi dê hiệu quả nên tôi cũng về nuôi thử mấy tháng nay, tôi cũng tận dụng cây keo trong vườn nhà để nuôi dê. Đầu ra bây giờ có bao nhiêu người ta mua bấy nhiêu.  Tôi cũng đang cố gắng nhân rộng mô hình này ra để làm”.

Chỉ tính riêng tại thôn Tân Thủy, xã Ia Ga hiện có trên 20 hộ nuôi dê, hầu hết các hộ đều đầu tư chuồng trại theo quy mô khép kín, dê được nuôi tại các ô riêng để tiện theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển. Với kinh nghiệm 2 năm nuôi dê anh Lê Văn Hiền ở thôn Tân Thủy cho biết: Dê thường nuôi theo lứa, một năm người chăn nuôi có thể cho xuất chuồng 3 lứa dê thương phẩm. Tuy nhiên, anh Hiền cũng cho rằng mặc dù đầu ra tương đối ổn định nhưng giá cả lại tùy thuộc vào tư thương, trong khi đó giá con giống thì khá cao. Vì thế, anh và các hộ chăn nuôi dê trong thôn mong muốn có thể thành lập tổ hội chăn nuôi dê để đảm bảo giá cả và đầu ra cho dê thương phẩm.

Ông Lê Văn Hiền – Thôn Tân Thủy, xã Ia Ga huyện Chư Prông chia sẻ: “Gia đình nuôi được 2 năm rồi, nếu về hiệu suất kinh tế thì được, để làm giàu thì không dễ nhưng nếu là cách để vượt qua giai đoạn này thì ổn.  Để chủ động con giống thì mình nuôi sau 1 thời gian thì cũng tìm hiểu cách hợp lý để đổi giống tránh sự trùng gen. Nguồn ra thì phụ thuộc vào tư thương thôi, chứ chưa tìm ra được nguồn ra chính thức. Như chẳng hạn mình tìm được hội gì đó để mình tìm đầu ra không bị dao động và nằm trong giá có thể bán được”.

Bà Đỗ Thị Sa – Chi hội trường Chi Hội nông dân thôn Tân Thủy, xã Ia Ga, huyện Chư Prông cho biết: “Sang năm 2022 chúng tôi dự định sẽ thành lập tổ hội nuôi dê, bây giờ chỉ có mấy hộ thôi nhưng nếu thành lập tổ hội thì bà con sẽ nuôi nhiều nhằm mục đích phát triển kinh tế. Nhưng khó khăn bây giờ là bà con không có nguồn vốn, mong muốn cấp trên có thể hỗ trợ thêm nguồn vốn về để bà con mới có tiền để mua con giống.  Cũng là nơi cho bà con giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”.

Hiện mô hình nuôi dê thương phẩm được khuyến khích theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại một số địa phương trên địa bàn huyện Chư Prông. Tuy nhiên, các hộ nuôi dê trên địa bàn cũng mong muốn nhận được sự quan tâm từ ngành chuyên môn, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư con giống, nâng cao hiệu quả chăn nuôi./.

Lê Thư – Phi Long


Lượt xem: 20

Trả lời