Trần Văn Tiếng với mô hình trồng dâu nuôi tằm rất hiệu quả

Cập nhật 18/2/2019, 09:02:24

Với sự năng động, dám nghĩ dám làm và khát vọng vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình, đầu năm 2018 anh Trần Văn Tiếng ở thôn Jlao, xã Kông Bla, huyện Kbang đã triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Trần Văn Tiếng còn tích cực hỗ trợ và liên kết với một số nông dân nhân rộng mô hình này nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Anh Trần Văn Tiếng là một trong những người đầu tiên ở huyện Kbang mạnh dạn triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm. Sau khi học tập kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm theo phương pháp mới ở một số nơi, đầu năm 2018 anh đã chuyển đổi 3 ha trồng mía kém hiệu quả sang mô hình này. Cây dâu rất thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở đây nên sinh trưởng và phát triển tốt; sau khi trồng từ 4 đến 5 tháng cho thu hoạch. Mỗi ha dâu mỗi lứa thu hoạch cung cấp thức ăn cho khoảng 9 hộp trứng tằm, mỗi hộp trứng tằm cho thu khoảng 50 kg kén. Chu kỳ nuôi mỗi hộp trứng tằm theo phương pháp mới chỉ kéo dài từ 15 đến 20 ngày, có thể nuôi gối đầu. Anh Trần Văn Tiếng cho biết có rất nhiều công ty đặt mua sản phẩm kén, hiện giá mỗi kg kén hơn 160 nghìn đồng. Mỗi năm trồng 1 ha dâu kết hợp với nuôi tằm cho thu nhập 200 triệu đồng trở lên sau khi trừ chi phí.

Anh Trần Văn Tiếng – Thôn Jlao, xã Kông Bla, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Cách đây 10 năm gia đình tôi đã trồng dâu nuôi tằm, khi đó trồng dâu sẻ nên năng suất thấp, nuôi một hộp tằm tốn 10 công. Sau khi học tập kinh nghiệp từ Lâm Đồng trồng dâu với năng suất từ 50 đến 60 tấn/ha/năm, gia đình tôi đã đầu tư trồng dâu nuôi tằm theo phương pháp mới. Mỗi ha dâu năm đầu tiên thu hoạch khoảng 4 lứa nhưng đến năm thứ hai có thể thu hoạch từ 8 đến 10 lứa, kết hợp với nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế rất cao”.

Gia đình anh Trần Văn Tiếng đang mở rộng quy mô trồng dâu nuôi tằm, đã trồng hơn 10 ha dâu và xây dựng thêm các nhà nuôi tằm kiên cố; đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật và liên kết với một số hộ ở địa phương triển khai mô hình này tiến triển tốt.

Ông Đinh Minh – Công chức Địa chính – Nông nghiệp xã Kông Bla, Kbang, Gia Lai nói: “Hiện tại trên địa bàn xã Kông Bla có hơn 2.250 ha mía, vượt quá nhiều so với quy hoạch, hiện nay giá mía lại xuống thấp. Từ hiệu quả mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Tiếng, một số hộ trong xã đã liên kết với gia đình anh Tiếng để trồng dâu nuôi tằm. Thời gian tới, chính quyền địa phương vận động một số nông dân chuyển đổi những diện tích trồng mía kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm”.

Ông Mã Văn Tình – Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Trần Văn Tiếng mang lại hiệu quả kinh tế cao, gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng khác. Định hướng của huyện từ nay đến năm 2021 phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm trong toàn huyện khoảng 600 ha. Huyện đang liên kết với một số công ty để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trong huyện triển khai mô hình này”.

Hàng vạn con tằm đang miệt mài ăn dâu để nhả tơ kết kén mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh Trần Văn Tiếng. “Một nong tằm là ba nong kén”, đây là một trong những mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế rất cao nên cần được nhân rộng trên địa bàn huyện Kbang và ở nhiều địa phương khác trong tỉnh./.

Hà Đức, R’Piên


Lượt xem: 233

2 thoughts on “Trần Văn Tiếng với mô hình trồng dâu nuôi tằm rất hiệu quả”

Trả lời