Tràn lan tình trạng sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ  ở các làng ĐBDTTS

Cập nhật 26/5/2017, 14:05:29

Một trong những thực trạng đáng báo động hiện nay đó là việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra phổ biến, tràn lan ở nhiều thôn, làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Người bán mặc nhiên quảng cáo theo hướng có lợi cho mình và người mua vô tư uống mà không hề có sự cân nhắc, lựa chọn chính là nguyên nhân  dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu  và thậm chí còn có nhiều hệ lụy khác đi kèm. Đây được xem là một trong những vấn đề nóng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.

Không khó để tìm kiếm các điểm bán rượu ở các thôn, làng trên địa bàn huyện Đăk Đoa. Và cũng không khó để thấy việc nhiều người ngay từ sáng sớm đã đi mua rượu về uống. Rượu được chiết từ can nhựa  ra từng bọc ni lông để bán cho người dân sử dụng.

Anh Beo – Xã Hà Đông – Đăk Đoa nói:  Nếu có tiền thì người Bana mình uống nhiều lắm đó. 5-6 lít cũng có. Chừng 5-6 người uống hết chừng đó. Ở làng ai cũng uống hết, trai cũng uống, gái cũng uống. Có tiền thì mua rượu uống, không có tiền thì  nghỉ, đi làm kiếm tiền.

Lý do để uống rượu khá đơn giản; Làm nhà mới, đám cưới, đám ma hay thậm chí không có chuyện gì làm thì uống rượu giải khuây. Chính đây là nguyên nhân dẫn đến việc các hàng quán bán rượu xuất hiện ngày một nhiều tại các vùng DTTS. Riêng tại xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa, 17/ 20 điểm bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ có bán rượu. Theo một chủ tiệm tạp hóa, bình quân mỗi ngày gia đình bán 10-15 lít rượu được mua lại từ các đầu mối. Như vậy, bình quân mỗi ngày người dân xã Hà Đông sẽ tiêu thụ xấp xỉ 200 lít rượu.

Anh Đào Anh Tuấn – Xã Hà Đông – Đăk Đoa cho biết: “Rượu thì người ta tới mua 1 hoặc 2 lít, nếu nhà có công việc, làm nhà  thì mua 5,6 lít. Bình thường thì tới mua 1,2 lít. Một ngày em bán khoảng 10 lít. Bình quân 10 lít. Ngày nhiều thì 30 lít. Đó là tập trung vào ngày cuối tuần, chủ nhật, thứ 7. Người dân đi lễ về mua uống, ngày người ta đổi công cho nhau cũng mua uống, uống cùng với rượu ghè”.

Do đậy là loại thức uống khá đặc biệt, việc nấu, chiết xuất và thậm chí pha chế chủ yếu do chính các cơ sở nhỏ lẻ tiến hành nên người mua cũng chỉ biết tin vào lời giới thiệu của người bán. Và bất cứ người bán hàng nào cũng khẳng định rượu được nấu theo phương pháp thủ công, không sử dụng các loại cồn công nghiệp để pha chế. Tuy nhiên để kiểm chứng được điều này thì đối với người dân là không thể

Uống rượu được xem là nét văn hóa trong giao tiếp, sinh hoạt. Tuy nhiên, uống như thế nào, bao nhiêu và nhất là nguồn gốc, xuất xứ loại thức uống này ra sao vẫn là điều mà mỗi người nên quan tâm. Bởi lẽ, việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ngộ độc và kéo theo đó là nhiều hệ lụy khác đi kèm, trong đó nóng nhất là tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, an ninh trật tự. Đây không chỉ là vấn đề riêng ở huyện Đăk Đoa mà là câu chuyện chung của hầu hết các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Thu Thủy ,R’Piên


Lượt xem: 82

Trả lời