Trái ngọt trên vùng đất khó Pờ Tó

Cập nhật 07/3/2023, 16:03:24

Trên những đồng đất cháy nắng, gắn liền với biệt danh “Hốc Pờ Tó”, nay đã phủ lên màu xanh tươi mát với nhiều trái ngọt. Điều đáng quý, sự khởi sắc ấy có được không chỉ là nhờ sự giúp sức của Đảng, Nhà nước mà đó còn là ý chí quyết tâm, sự cần cù, chịu khó của chính những người nông dân trên vùng đất khó.

Đến với xã Pờ Tó, huyện Ia Pa hôm nay, không khó để bắt gặp hình ảnh những vườn cây ăn trái xanh tươi, trĩu quả – Đó là một sự thay đổi lớn nơi vùng đất này.

Đây là vườn cây ăn trái của anh Bùi Văn Hùng – một trong những nông dân đầu tiên ở xã Pờ Tó thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với 4 ha đất, anh hùng đã quyết định chuyển từ cây mía sang trồng dừa xiêm, bưởi da xanh và kết hợp với chăn nuôi. Thật đáng mừng, sau hơn 3 năm cần mẫn chăm bón, vườn cây của anh Hùng đã cho những trái ngọt đầu tiên.

Anh Bùi Văn Hùng – Thôn 4, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai nói: “Mình sinh ra là nông dân, trồng mía, trồng mỳ nhiều năm rồi nhưng thấy năm được mùa, năm mất mùa nên thật sự là muốn chuyển đổi. Vậy là mạnh dạn chuyển trồng cây ăn trái, giờ có trái bói thì thấy kinh tế hiệu quả hơn. Những mô hình như thế này thấy hiệu quả, mình quyết tâm sẽ nhân rộng thêm…”

Bằng sự quyết tâm, tư duy đổi mới của một nông dân thời hội nhập, anh Bùi Văn Hùng đã từng bước tiếp cận, áp dụng các khoa học kỹ thuật vào vườn cây ăn trái của mình theo hướng sản xuất sạch, an toàn và bền vững. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, vườn cây của anh Hùng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất nơi đây. Cây sinh trưởng phát triển ổn định và cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt. Chính quyền địa phương đã và đang mở những lớp học thực tế  tại các mô hình điểm này, để bà con nông dân tham quan học tập kinh nghiệp, áp dụng và nhân rộng.

Ông Nguyễn Viết Trung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền rồi mở các lớp tập huấn thực tế thăm quan các mô hình điển hình của xã để sau đó phát triển nhân rộng. Bên cạnh đó, thì đăng ký vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để giúp cho người dân tiếp cập nguồn vốn đó phát triển các mô hình cây ăn trái một cách bền vững.”

Trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai đất đai sẵn có, xã Pờ Tó đã đạt được những kết quả rất tích cực, đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2022, bà con nông dân ở Pờ Tó đón nhận tin vui khi 2 sản phẩm Gạo Ia Pa TBR97 và Bưởi da xanh hữu cơ của địa phương đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Pờ Tó đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2023  sẽ mở rộng diện tích cây ăn quả lên 500 ha.

 Đặng Xuân Cường – Chủ tịch UBND xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Laithông tin: “Xã Pờ Tó trong những năm gần đây được nhiều doanh nghiệp, công ty đến đầu tư phát triển, hiện đã có trên 10 doanh nghiệp đăng ký đến đầu tư, chính quyền địa phương rất ủng hộ theo quy định. Đặc biệt năm 2022, hình thành nhiều mô hình cây ăn trái như: Bưởi da xanh, nhãn, mít thái… đó là một hướng phát triển cây trồng mới trên địa bàn để cho năng suất cao hơn đem lại thu nhập cho người dân cao hơn. Trọng tâm phát triển là sẽ nhân rộng các mô hình cây ăn trái trên địa bàn để người dân phát triển hơn.”

Mỗi một năm đi qua, người nông dân ở xã Pờ Tó lại có thêm niềm vui và hạnh phúc với trái ngọt trên chính khu vườn của mình. Và cụm từ “Hốc Pờ Tó” ý muốn nói đến một nơi heo hút,  nghèo khó…, giờ chỉ còn trong kí ức của người dân nơi vùng đất nắng này, thay vào đó là hình ảnh của sự no ấm, đủ đầy

Kim Ngân – Hữu Lanh – Mạnh Hà


Lượt xem: 10

Trả lời