Tọa đàm khoa học “Tác động chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngôn ngữ dân tộc tới các cơ quan và cư dân các dân tộc ở Gia Lai”

Cập nhật 24/4/2018, 16:04:31

Để nhìn nhận, đánh giá những tác động của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng; sáng nay (24/4), Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo “Tác động chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngôn ngữ dân tộc tới các cơ quan và cư dân các dân tộc ở Gia Lai”.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận và trao đổi về những kết quả cũng như những hạn chế, tồn tại của tỉnh Gia Lai trong việc tổ chức thực hiện phổ cập sâu rộng tiếng và chữ viết phổ thông trong đồng bào các DTTS tỉnh nhà; tình hình sử dụng tiếng nói và chữ viết các DTTS ở tỉnh; việc tổ chức thực hiện chính sách đối với tiếng nói, chữ viết các dân tộc ở địa phương của các cơ quan thực thi chính sách của tỉnh; và tác động của các chủ trương, chính sách về ngôn ngữ dân tộc tới đời sống văn hóa-xã hội và kinh tế của người DTTS. Với 34 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS Jrai và BaNa; những năm qua việc triển khai thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngôn ngữ dân tộc tới các cơ quan và cư dân các dân tộc trên địa bàn đã được tỉnh Gia Lai quan tâm chú trọng. Nhiều lớp dạy tiếng Jrai, BaNa cho cán bộ, công chức viên chức (CBCCVC) của tỉnh được tổ chức; tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế, việc sử dụng tiếng DTTS của CBCCVC không thường xuyên, chưa thật sự phát huy hiệu quả; thậm chí nhiều CBCCVC người DTTS của tỉnh hiện nay viết không thành thạo tiếng bản ngữ của chính mình.Trên cơ sở những thảo luận, góp ý, một số ý kiến cũng đề xuất nên bắt buộc môn học tiếng DTTS đối với học sinh người bản ngữ; tổ chức biên soạn sách, từ điển cho người DTTS; cũng như có chế độ chính sách đối với người DTTS theo học tiếng DTTS… Những ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ góp phần tư vấn cho các cơ quan khoa học đề xuất chính sách để bảo tồn, phát huy vai trò, bản sắc của ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam vì sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế./.

 Mỹ Tiến, Minh Trí

 


Lượt xem: 36

Trả lời