Tình trạng tái phạm tội trong thanh thiếu niên-Vấn đề đáng quan tâm.

Cập nhật 12/9/2013, 14:09:44

Theo kết quả điều tra, khảo sát mới đây của Bộ Công an về tình hình người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương trên phạm vi cả nước trong 10 năm (2002 – 2012), trong tổng số gần 425.000 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương thì số người có việc làm chiếm trên 82%; số người chưa có việc làm chiếm gần 18%. Kết quả điều tra, khảo sát cũng cho thấy có trên 25,6% với hơn 79.900 người chấp hành xong án phạt tù trong giai đoạn này tái vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Đối với tỉnh Gia Lai, tình trạng tái phạm, đặc biệt là trong lứa tuổi thanh thiếu niên đang là vấn đề đáng quan tâm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. 

Bị can Trần Thị Xuân Ly-khai báo với Công an.

Mặc dù mới 20 tuổi nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, bị can Trần Thị Xuân Ly đã 2 lần bị công an Tp.Pleiku và Công an huyện Chư Pah bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Sử dụng ma túy từ năm 2012, sau khi sinh con được 3 tháng, bị can này đã cho con cai sữa để thỏa mãn cơn nghiện ma túy. Điều đáng nói là lần phạm pháp thứ nhất- tháng 1/2013 đang tạm hoãn thi hành án thì Ly lại tiếp tục tái phạm vào tháng 5 vừa qua.

Bị can Trần Thị Xuân Ly nói: ‘‘Tôi bị công an Tp.Pleiku bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy nhưng được cho tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ. Trong thời gian tại ngoại này, tôi lại tiếp tục mua bán ma túy và bị công an Chư Pah bắt. Tôi mua bán ma túy chủ yếu là để có tiền tiêm chích ma túy. Do gia đình khó khăn, bất mãn với cuộc sống nên tôi vi phạm”.

Trong số những vụ phạm pháp hình sự xảy ra ở các địa phương trong tỉnh Gia Lai trong những tháng đầu năm nay nổi lên là loại tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản…. Điều đáng nói thủ phạm chủ yếu là thanh thiếu niên và không ít người trong số này tái phạm dưới nhiều mức độ khác nhau. Đối với bị can Phạm Văn Phúc bị công an huyện Chư Pưh bắt giữ về tội trộm cắp tài sản thì đây là lần thứ 2 phạm pháp với cùng một tội danh. Vừa ra tù được 6 tháng, thay vì ăn năn hối lỗi, cố gắng làm ăn sinh sống lương thiện thì bị can này lại ngựa quen đường cũ, tiếp tục tái phạm trộm cắp để lấy tiền ăn chơi tiêu xài theo ý muốn. 

Bị can Phạm Văn Phúc thú nhận: “Thấy chiếc xe máy của người ta để đó, tôi lấy trộm với mục đích ban đầu là lấy để đi, nhưng sau đó tôi bán được 900 ngàn đồng để lấy tiền tiêu xài”.

Bị can Phạm Văn Phúc.

Trong 9 tháng đầu năm nay, trên địa bàn Tp.Pleiku đã xảy ra 161 vụ phạm pháp hình sự với tổng tài sản thiệt hại khoảng 6,5 tỉ đồng, làm chết 6 người và 22 người bị thương. Công an Thành phố đã bắt 133 đối tượng và điều tra làm rõ 113 vụ. Qua công tác điều tra, tổng hợp cho thấy: có đến 36% đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật và trên 18% đối tượng đã có tiền án tiền sự gây án, đáng lưu ý nữa là đối tượng nghiện ma túy chiếm trên 15%.

Trao đổi với phóng viên Thiếu tá Hoàng Văn Huân-Đội trưởng Đội CSĐTTP về TTXH, Công an Tp.Pleiku cho biết: “Chúng tôi thấy tình trạng tái phạm liên quan đến cướp giật, trộm cắp… Nhiều đối tượng sau khi ra tù không có việc làm, không chịu làm, lại dính đến ma túy, tụ tập gây án để có tiền sử dụng ma  túy, ăn chơi tiêu xài theo ý muốn”.

Công tác giáo dục quản lý những đối tượng hình sự, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, người được đặc xá, tha tù … có thể nói là cả một quá trình đầy gian khó, thách thức đối với các cấp, ngành và toàn xã hội nhằm làm thế nào để sự quản lý, giáo dục ấy vừa có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung vừa tạo điều kiện cho những người một thời lầm lỗi vươn lên, tái hòa nhập cộng đồng. Được biết, để quản lý tốt những  người chấp hành xong án phạt tù về cư trú ở các địa phương, Công an các tỉnh, thành trong nước đã đề xuất Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi cho người tái hòa nhập cộng đồng như: được vay vốn sản xuất của ngân hàng chính sách xã hội; cho thành lập hoặc giao cho một tổ chức chính trị xã hội nào đó làm cầu nối trung gian để giúp người tái hòa nhập cộng đồng tiếp cận dễ dàng các cơ chế chính sách… Có thể nói, bên cạnh những chế độ, chính sách ưu đãi cho người tái hòa nhập cộng đồng của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ, tiếp sức của gia đình, cộng đồng xã hội thì sự vượt lên chính mình, chiến thắng những mặc cảm, lỗi lầm của những người đã một thời lầm lỗi là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, qua đó giúp những người đã từng phạm tội xóa dần những vệt xám trong quá khứ./.

Thiên Thanh-Thanh Sáng


Lượt xem: 76

Trả lời