Tín dụng chính sách – Khởi sắc những làng quê

Cập nhật 16/3/2023, 16:03:37

Thời gian qua, với sự tập trung thực hiện linh hoạt và hiệu quả các chính sách, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã trở thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh Gia Lai phát triển vượt bậc. Không chỉ giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, nguồn vốn quý giá này cũng đã thổi một làn sinh khí mới, góp phần làm đổi thay, khởi sắc đáng phấn khởi ở khắp các thôn, làng trên địa bàn tỉnh.

Nhiều năm trước đây, làng Ngol được biết đến là một làng đặc biệt khó khăn của thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa với nhiều người dân bị mắc bệnh phong. Vượt qua khó khăn, đẩy lùi bệnh tật và tâm lý e ngại, cùng với hệ thống chính trị thôn và đặc biệt là sự giúp sức từ nguồn vốn chính sách xã hội, bà con đã vượt qua đói nghèo, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Chị Jơ Lan – Làng Ngol, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa chia sẻ: “Tôi được vay ngân hàng chính sách cách đây 2 năm. Đợt đấy tôi xây chuồng bò và khoan giếng để tưới cà phê. Đợt đấy đầu tư cũng được nên tôi đã trả được hết và vay lại. Đợt đấy gia đình tôi cũng trồng được 3, 4 trăm cây. Gia đình tôi cũng khấm khá hơn.”

Từ một ngôi làng có hầu hết các hộ dân đều thuộc diện nghèo thì đến nay, làng Ngol đã giảm còn khoảng 40 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Mặc dù vẫn còn cao so với tổng số 105 hộ, song đây là kết quả đáng khích lệ của cả hệ thống chính trị thôn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân để đẩy lùi tâm lý trông chờ ỷ lại. Đặc biệt hơn đó là sự đồng hành tích cực từ nguồn vốn tín dụng chính sách với số tiền từ 50 đến 100 triệu đồng/lượt vay. Sự trở mình ngoạn mục đó, hơn ai hết, chính những cán bộ ở đây cảm nhận rõ rệt nhất.

Ông Jaoh – Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn làng Ngol, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa nói: “Trong 10 năm qua, làng mình có nhiều nét nổi bật, thay đổi nhiều. Thay đổi về đa phương tiện, công cụ lao động sản xuất, phương tiện xe cộ rất nhiều. Tích lũy về cơ sở vật chất cho gia đình khá nhiều. Các hộ tiếp cận được các nguồn vốn vay thì phát triển kinh tế rất ổn.”

Mặc dù không quá đặc biệt như làng Ngol, nhưng làng Kênh, xã Nghĩa Hoà, huyện Chư Păh cũng đi lên từ xuất phát điểm nghèo khó giống như hầu hết các làng DTTS trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm trở lại đây, nhờ có sự đồng hành của các nguồn vốn tín dụng chính sách, làng Kênh hôm nay đã có đã khởi sắc mạnh mẽ khi trở thành làng điểm trong xóa đói giảm nghèo, đi đầu về xây dựng nông thôn mới. Trong 156 hộ đồng bào Jrai ở đây, hơn 70% hộ đã được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, sử dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo.

Ông Rơ Châm San – Phó Trưởng thôn, làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh cho biết: “Ngày trước người làng không dám vay vốn để làm ăn đâu. Sau này được vận động, nên nhiều người mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư. Bây giờ đa phần các hộ dân đều được vay vốn từ ngân hàng chính sách nên mở rộng sản xuất, xóa được đói nghèo. Làng chỉ còn 5 hộ diện nghèo thôi.”

Cuộc sống người dân đã nâng cao và bộ mặt địa phương ngày một khởi sắc, khang trang sạch đẹp. Đó cũng là điểm chung của hầu hết các thôn, làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai sau khi được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách và được thụ hưởng các chương trình đầu tư khác của Đảng, Nhà nước. Mạng lưới điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH đã phủ kín đến 100% thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với 220 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và hơn 3.300 Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các địa phương có thêm nguồn lực để phát triển. Điều này đã thể hiện rõ quyết tâm của hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh trong thực hiện mục tiêu hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của người dân và địa phương.

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Đoa trao đổi: “Phòng Giao dịch NHCSXH huyện sẽ tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội để mở rộng nguồn vốn vay, đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn; tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hoạt động ủy thác nhằm đảm bảo nguồn vốn vay được đầu tư đúng đối tượng, kịp thời và có hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Đak Đoa.”

Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 10,09%. Đó là kết quả đáng mừng, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách. Với vai trò trợ lực quan trọng đó, tin rằng, cuộc sống của người dân nói riêng, các địa phương trên địa bàn tỉnh nói chung sẽ tiếp tục có thêm những bước chuyển mình rõ rệt và ngày càng phát triển, khởi sắc hơn./.

Ngô Thanh – Minh Trung


Lượt xem: 13

Trả lời