Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở Gia Lai

Cập nhật 01/2/2023, 07:02:39

Dựa vào những thế mạnh, tiềm năng sẵn có, du lịch cộng đồng có thể mang lại những cơ hội mới cho phát triển ngành công nghiệp không khói của các địa phương ở Gia Lai. Bởi vậy mà những năm gần đây, loại hình du lịch này dần trở thành một trào lưu và được đặt nhiều kỳ vọng. Vì trên thực tế: Các nguồn tài nguyên văn hóa hầu hết nằm ở khu vực quần cư, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của bà con ở các buôn, làng, nên khi được quy hoạch, khai thác thành khu, điểm du lịch thì người dân sống quanh đó sẽ được hưởng lợi và khi các tài nguyên được khai thác sẽ có kinh phí bảo tồn, tái tạo và phát huy các giá trị…

Hiện nay, đa số các mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai chủ yếu là vừa làm, vừa học. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một tiềm năng rất lớn, với nhiều yếu tố thuận lợi… rất phù hợp để Gia Lai phát triển loại hình du lịch này…

Thạc sỹ Huỳnh Công Hiếu – Chuyên gia văn hóa du lịch nói: “Gia Lai có nhiều thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng, hiện nay đây là xu hướng của chung Việt Nam, và một số mô hình tiêu biểu đã thành công, như ở ngoài Tây Bắc”…

Làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang có hơn 200 hộ, gần 820 nhân khẩu, trong đó phần lớn là đồng bào Bahnar. Bao đời nay, người dân nơi đây vẫn gắn liền với kinh tế nông nghiệp, làm lúa, mía và chăn nuôi… Cuộc sống của bà con cứ thế trôi qua êm đềm dưới những nếp nhà sàn bình dị. Bức tranh phong cảnh, đời sống của làng thật đẹp và để điều đó được phát huy, gắn liền với phát triển kinh tế, ngành Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai bước đầu đã triển khai một số chương trình, dự án nhằm hỗ trợ bà con trong vùng tiếp cận với cách làm du lịch cộng đồng dựa trên chính tiềm năng về thiên nhiên, văn hoá địa phương. Làng bắt đầu đón khách từ tháng 01.2019, đến nay đã cơ bản hình thành tuor du lịch cộng đồng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm với những nét nổi bật, như: Ẩm thực truyền thống, cồng chiêng, không gian văn hóa phong phú, đa dạng…

Anh Ly Đặng Ngọc Huy – Du khách TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Bà con  đã kể cho chúng tôi nghe, thấy được một câu chuyện văn hóa riêng của chính buôn làng, điều này là rất quý, rất tuyệt vời với mỗi du khách. Họ đã kết  nối để chúng tôi biết nhiều hơn về Tây Nguyên. Với tôi cách làm du lịch ở đây vậy là đã thành công”.

Anh Đinh Văn Brech – Trưởng thôn làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang cho biết: “Để làm được du lịch cộng đồng thì một người, một hộ không thể làm được, phải cần sự ủng hộ, đồng tình của bà con trong làng nữa. Làng cũng đã vận động bà con cùng hưởng ứng để làm du lịch. Làng cũng đã thành lập đội cồng chiêng, cồng chiêng người lớn, cồng chiêng nhí và công chiêng nữ, cả đội múa nữa. Các hộ dân trong làng cũng mạnh dạn đăng ký homestay làm nơi lưu trú cho khách khi đến thăm làng. Đây cũng là cơ hội của làng được đón khách từ các nước cũng như trong nước đến với làng”.

Nằm gần khu vực lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ, Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia Plei Ơi có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Và từ khi tiến hành trùng tu, xây dựng thêm các hạng mục như: Nhà dài của người Jrai, nhà của Vua lửa, nhà để gươm thần… nơi đây đã trở thành điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, nhất là mỗi dịp nghỉ lễ, hay tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng truyền thống…

Ông Rơ Mah Thuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện nói: “Đối với Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui thì giữ theo truyền thống ngày xưa. Phát triển du lịch tiềm năng của xã Ayun Hạ thì chúng tôi có ẩm thực của người Jrai, cơm lam, gà nướng. Về xu hương du lịch sau này mong cấp trên hướng thêm, như: Đầu tư đào tạo các lớp thế hệ trẻ”…

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, chuyên gia văn hóa, du lịch: Gia Lai có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, vấn đề mấu chốt là phải phát huy tính chủ thể, “những di sản sống”-Vì đó là nguồn tài nguyên quý báu phục vụ cho phát triển du lịch…

Thạc sỹ Huỳnh Công Hiếu – Chuyên gia văn hóa du lịch cho biết: “Cái quan trọng nhất là đồng bào DTTS phải giữ được bản sắc của họ… Các điểm đến du lịch trong cả nước trước đây nay có nơi đã bị thương mại hóa, nên chúng ta thay đổi, thích ứng và giúp bà con làm du lịch thì du lịch cộng đồng sẽ phát triển đúng với những gì nó có”…

Ông Trần Ngọc Nhung -Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH, TT&DL Gia Lai nhấn mạnh: “Đây là nguồn tài nguyên phong phú và là thế mạnh của du lịch Gia Lai, nhất là loại hình du lịch cộng đồng. Một trong những giải pháp sẽ tiếp tục được tỉnh Gia Lai chú trọng, đó là: tăng cường kết nối, thực hiện các chương trình hợp tác trong du lịch giữa các địa phương, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số để tạo sức hút cho du lịch”./.

Song Nguyễn – Mạnh Hà – CTV Bá Bính ( TP Pleiku)


Lượt xem: 14

Trả lời