Thu hoạch sớm diện tích lúa tránh hạn vụ Đông –Xuân 2018-2019

Cập nhật 18/3/2019, 21:03:48

 Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đã bắt đầu xảy ra hiện tượng hạn hán cục bộ, nhất là đối với cây lúa nước. Đây là điều đã được ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh dự đoán và triển khai kế hoạch phòng, chống hạn ngay từ đầu vụ Đông- Xuân 2018-2019. Tại huyện Ia Pa, ngành Nông nghiệp huyện đã tích cực triển khai nhiều giải pháp trong đó, tiến hành điều chỉnh lịch gieo trồng sớm ở một số nơi có khả năng xảy ra hạn đồng thời khuyến cáo người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp. Đến thời điểm này, hầu hết diện tích lúa được trồng sớm của địa phương đã cho thu hoạch với năng suất tương đối đảm bảo.

Những ngày này, nhiều người dân tại xã Chư Răng – một trong những nơi thường xuyên xảy ra nắng hạn gay gắt của huyện Ia Pa đang phấn khởi thu hoạch sớm vụ lúa Đông – Xuân 2018-2019. Nhờ thực hiện theo lịch sản xuất sớm khoảng 1 tháng so với các năm trước nên khoảng 40 hecta lúa nước của người dân xã Chư Răng đã tránh được thiệt hại do hạn hán.

Ông Lê Văn Theo, xã Chư Răng, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Đến giờ này diện tích trồng sớm đã được thu rồi, được ăn rồi, còn như đây rất bấp bênh. Ở khu vực số 2 người ta có giếng bơm để cứu lúa. Còn diện tích trồng sớm đã có thu rồi, dù giảm năng suất nhưng vẫn có thu”.

Vụ Đông – Xuân 2018-2019, huyện Ia Pa điều chỉnh gieo trồng cây lúa nước sớm 1 tháng đối với 60 hecta. Trong đó, chủ yếu là ở xã Chư Răng với 40 hecta và 20 hecta còn lại ở 2 xã Pờ Tó và Ia Tul. Nhờ thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng, hiện nay, hầu hết diện tích này đã được thu hoạch với năng suất đảm bảo từ 7 đến 8 tấn /sào. Trong đó, chỉ có một số ít diện tích giảm năng suất khoảng 20% do thiếu nước.

Cũng nằm trên địa bàn xã Chư Răng, tại thôn Bình Hòa, cách diện tích lúa vụ Đông – Xuân đang thu hoạch không xa, tình trạng hạn hán cục bộ đã xảy ra trên một số diện tích cây lúa nước. Đây đều là nơi được ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương khuyến cáo chuyển đổi sang sản xuất các loại cây trồng khác để tránh hạn, thế nhưng người dân không làm theo. Để đối phó với tình trạng thiếu nước như hiện nay, một số hộ đã chủ động đào giếng để có nước cứu lúa. Các hộ còn lại đành bất lực chịu cảnh mất mùa ngay tại thời điểm lúa trổ đòng.

Ông Trần Văn Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ia Pa, Gia Lai trao đổi: “Đối với cây lúa hiện nay đã thu hoạch được khoảng 50 hecta, năng suất bình quân đạt 7 đến 8 tạ/ sào, cá biệt có những diện tích đạt 10 tấn hecta. Tuy nhiên có những nơi việc chấp hành sản xuất không tốt người dân không chịu chuyển đổi nên đã xảy ra hạn như ở xã Chư Răng. Toàn bộ thôn Bình Hòa đã khuyến cáo người dân chuyển đổi sang cây trồng khác sử dụng nước tiết kiệm nhưng người dân không làm theo dẫn đến hạn cục bộ”.

Huyện Ia Pa là địa phương thường xuyên bị nắng hạn gay gắt, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Vì thế, cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp bằng nhiều giải pháp trong công tác phòng- chống hạn như điều chỉnh lịch thời vụ, khuyến cáo chuyển đổi cây trồng, nâng cấp hệ thống thủy lợi để chủ động nguồn nước tưới, người dân cần theo dõi và làm theo đúng khuyến cáo của ngành chức năng để phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra trong sản xuất nông nghiệp./.

Ngô Thanh, R’Piên


Lượt xem: 105

Trả lời