Phỏng vấn ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Gia Lai về tình hình dịch bệnh Covid- 19 tại xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa và biện pháp khống chế dịch

Cập nhật 25/11/2021, 17:11:15

Theo đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định 4800 của Bộ Y tế và Thông báo số 16 của UBND tỉnh Gia Lai thì xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa hiện đang ở cấp độ 4 (cấp nguy cơ rất cao). Liên quan đến ổ dịch ở xã Hà Bầu, chỉ tính từ ngày 19/11 đến ngày 24/11 đã có 300 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 236 ca trong cộng đồng. Xã Hà Bầu được đánh giá là ổ dịch lớn nhất tại tỉnh Gia Lai từ trước đến nay. Vậy qua gần một tuần tỉnh Gia Lai triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh tại xã Hà Bầu đã đạt được kết quả gì và các giải pháp nào cần tiếp tục phải triển khai để xử lý triệt để ổ dịch này, phóng viên Đài PT – TH Gia Lai có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Gia Lai về vấn đề này.

   

PV Lệ Xuân: Thưa ông, qua gần 1 tuần triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, xin ông cho biết tình hình dịch bệnh ở đây đến thời điểm này?

 Ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Gia Lai: Qua 1 gần 1 tuần chống dịch tại Hà Bầu về cơ bản chúng ta đã khoanh vùng, phong tỏa, xác định được ổ dịch và qua công tác truy vết, sàng lọc chúng ta cũng đã mở rộng vấn đề đánh giá ổ dịch, đặc biệt là những vùng lân cận như các xã sát với Hà Bầu, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh và chúng ta cũng đã giám sát được nguồn lây truyền bệnh tới các vùng khác như Ia Grai, xã Biển Hồ, Tiên Sơn và Trà Bá thuộc Tp. Pleiku.

PV Lệ Xuân: Vâng! Có thể nói ổ dịch tại xã Hà Bầu là ổ dịch lớn nhất tại tỉnh Gia Lai từ trước đến nay. Vậy ngoài triển khai các biện pháp cấp bách ngay khi phát hiện ổ dịch thì hiện nay ngành y tế đang tiếp tục áp dụng các biện pháp tiếp theo như thế nào để kiểm soát dịch trong thời gian sớm nhất, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Gia Lai: Đối với ổ dịch ở xã Hà Bầu là ổ dịch rất lớn, khi chúng ta phát hiện dịch đã trải qua 3 đến 4 chu kỳ lây với số lượng bệnh nhân rất lớn với trên 200 bệnh nhân tại ổ dịch Hà Bầu. Vì thế ngành y tế cũng như Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch đã triển khai những biện pháp quyết liệt để đảm bảo phong tỏa và ngăn chặn sự lây lan của ổ dịch ra các địa phương khác. Đã phong tỏa tại xã Hà Bầu và triển khai các biện pháp nhanh chóng đưa F0 đi điều trị tại các bệnh viện điều trị Covid và F1 nguy cơ cao được đưa đi cách ly, đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo an sinh ở khu phong tỏa Hà Bầu, đảm bảo cho cuộc sống của người dân cũng như vấn đề thu hoạch mùa màng, chăm sóc gia súc tại khu phong tỏa. Đặc biệt là triển khai trạm xá lưu động để đảm bảo quản lý được người dân trong khu phong tỏa, nhất là những  người già có bệnh nền, phụ nữ có thai,…đã được đưa đi điều trị tại các cơ sở y tế để đảm bảo cho khu phong tỏa ổn định cuộc sống về cả an sinh xã hội, an ninh trật tự.

PV Lệ Xuân: Qua phát hiện ổ dịch tại xã Hà Bầu, ngành Y tế có nhận định gì về tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, nhất là các địa phương có nhiều làng đồng bào DTTS?

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Gia Lai: Qua đợt bùng phát dịch này, trong thời gian tới tình hình dịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức  tạp, đặc biệt là ở những làng đồng bào DTTS do đặc điểm với môi trường sống cộng đồng với tập quán sinh hoạt  của người đồng bào DTTS, nhất là vào mùa thu hoạch và mùa màng hái cà phê. Ngoài ra còn có sinh hoạt tôn giáo, mối gắn kết của người đồng bào dân tộc ở các làng, vì thế nguy cơ dịch sẽ lan rộng, bùng phát lớn trong các làng đồng bào DTTS là rất lớn. Vì thế cần phải có biện pháp phù hợp trong công tác chống dịch có tính đặc thù, đây là yếu tố rất là quan trọng để làm sao công tác chống dịch đạt được hiệu quả cao nhất./.

PV Lệ Xuân: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi này!

 Lệ Xuân – Minh Trung


Lượt xem: 49

Trả lời