Khó khăn trong công tác tiêm chủng ở vùng đồng bào DTTS

Cập nhật 04/12/2021, 17:12:02

Không phải đến thời điểm hiện tại, công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid – 19 ở các làng đồng bào DTTS của tỉnh Gia Lai mới gặp nhiều khó khăn, mà qua các đợt tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh trước đó như: bệnh bạch hầu, ho gà, bệnh sởi,…cũng gặp rất nhiều trở ngại. Qua mỗi đợt triển khai tiêm phòng vắc xin cho người dân như vậy, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS thì công việc của nhân viên y tế, của chính quyền địa phương các cấp lại phải nhân lên gấp nhiều lần để đổi lại kết quả là tất cả người dân đều bình đẳng về quyền lợi đó là được tiêm vắc xin để phòng bệnh.

Hôm nay là lịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid – 19 cho người dân trên địa bàn xã Kim Tân, huyện Ia Pa. Tuy nhiên không một ai tới tiêm chủng, chỉ có một vài người dân đến Trạm y tế xã để khám bệnh lấy thuốc theo định kỳ.

Hiện tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid – 19 mũi 1 của xã Kim Tân mới chỉ đạt trên 80%. Qua nhiều lần tuyên truyền về thời gian, địa điểm để người dân chưa được tiêm mũi một biết đến tiêm song vẫn không đạt hiệu quả. Do vậy Trạm Y tế xã đã phải triển khai ít nhất 3 đợt tiêm lưu động ngay tại các thôn làng, nhưng mỗi lần triển khai cũng rất ít người tham gia tiêm.

Chị Phan Thị Hồng Thiện, Phụ trách Trạm Y tế xã Kim Tân, huyện Ia Pa cho biết: “Để khắc phục tiêm chủng cho đồng bào tại xã Kim Tân thì Trạm Y tế và BCĐ xã đã tổ chức buổi tiêm lưu động tại làng, nhưng xuống đó vận động rất là khó khăn phải đến nhà họ vận động hoặc chở họ đến để tiêm. Còn về nhận thức vắc xin họ nhận thức rất là kém, phần lớn họ kêu là tiêm đau, tiêm xong không đi làm được”.

Tại một buổi tuyên truyền khác về tiêm vắc xin phòng Covid – 19 cho người dân tại làng Blôm thuộc xã Kim Tân. Mặc dù chọn thời điểm người dân có ở nhà để tuyên truyền, vận động về lợi ích của việc tiêm vắc xin, nhưng khi cán bộ đến tuyên truyền thì hầu như người dân đều không muốn gặp mặt trực tiếp.

Ông Lê Hữu Hưng, Chủ tịch UBND xã Kim Tân, huyện Ia Pa cho biết: “Xã Kim Tân có gần 50% người DTTS, trong quá trình trực tiếp xuống thôn, làng bà con không hưởng ứng chương trình, chính sách tiêm vắc xin của nhà nước. Trong quá trình đi tiêm người dân lại nói là nếu có vấn đề gì về sức khỏe thì ai chịu trách nhiệm. Nhận thức của bà con còn hạn chế như thế nên rất khó cho chính quyền cơ sở”.

Cách đây hơn 1 tháng, huyện Chư Prông cũng là 1 trong những địa bàn triển khai tiêm vắc xin phòng Covid – 19 chậm so với kế hoạch chung của cả tỉnh. Nguyên nhân của việc kéo tiến độ tiêm đạt thấp của toàn huyện là công tác triển khai tiêm vắc xin ở các xã có số đông người dân tộc thiểu số không đạt theo đúng kế hoạch ban đầu.

Chị Siu H’Phê, Phó trưởng Trạm Y tế xã Ia Pia, huyện Chư Prông cũng nói: “Hầu như chúng tôi phải làm ngoài giờ hành chính mới đạt kế hoạch đề ra, khâu tuyên truyền cũng thế lựa vào buổi ban đêm còn giờ hành chính như thế này hầu như bà con vô trong rẫy làm, không có ở nhà nên rất là khó khăn vấn đề đó”.

Qua đây cho thấy công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid – 19 cho người dân ở các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng rõ ràng mỗi địa phương và cả hệ thống chính trị đều đang rất nỗ lực không chỉ trong công tác tuyên truyền mà ngay cả phải thành lập thêm địa điểm tiêm ở những nơi thuận lợi nhất cho người dân. Bởi lẽ, trước diễn biến khó lường của dịch Covid – 19 như hiện nay, không gì quan trọng hơn lúc này đó là tất cả người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung đều phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin để sớm tạo miễn dịch trong cộng đồng./.

 Lệ Xuân, R’Piên


Lượt xem: 76

Trả lời