Gia Lai phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội

Cập nhật 28/1/2022, 19:01:23

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với tốc độ lây lan nhanh đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân. Trước tình hình đó, thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương theo phương châm: Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết; và không để ai bị bỏ lại phía sau, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo quyết liệt trên cơ sở huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, vừa làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định tư tưởng, đời sống trong nhân dân để cùng chung thực thiện thắng lợi “mục tiêu kép”.Trước tiên chúng ta hãy cùng nhìn lại một số khó khăn, thử thách mà tỉnh Gia Lai đã trải qua trong suốt một năm phòng, chống dịch Covid – 19.

Gia Lai: Những khó khăn, thách thức do dịch Covid-19

Chỉ tính từ đầu tháng 10/2021 đến nay, tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận gần 20 ngàn công dân trở về địa bàn tỉnh, trong số đó có trên 1.600 trường hợp dương tính với SARS – CoV – 2, chiếm 22,71%/tổng số ca ghi nhận trên toàn tỉnh. Ở giai đoạn cao điểm ứng phó với diễn biến của dịch Covid – 19, Gia Lai đã lần lượt kích hoạt cùng một lúc lên tới 80 khu cách ly tập trung, thực hiện cách ly gần 15 ngàn người.

Trong lúc vẫn đang căng mình chống dịch từ làn sóng địa phương tiếp nhận các công dân trở từ vùng dịch trở về tỉnh với số lượng lớn thì đầu tháng 12/2021, tỉnh Gia Lai lại tiếp tục ứng phó với dịch Covid – 19 bùng phát ở không ít làng đồng bào DTTS.  Khởi đầu dịch lây lan trong các làng đồng bào DTTS xuất hiện trước tiên ở Tp. Pleiku, sau đó tiếp tục lan rộng ở một số địa bàn khác như Ia Grai, Chư Păh, Đak Đoa, Chư Sê, Phú Thiện.

Anh Puih Vinh, Thôn trưởng thôn Pleiku Róh, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku cho biết:  “Do trước đây bà con chưa ý thức được việc thực hiện 5K của Bộ Y tế nên hay qua lại với nhau giữa bà con, dòng họ, rồi những thanh niên hay tụ tập nên dẫn đến việc lây lan xảy ra giữa người này người kia trong cộng đồng”.

Ông Ksor Khanh, PCT UBND xã Ia Piar, huyện Phú Thiện cũng cho biết: “Đối với người đồng bào DTTS hiện nay sống chung 1 gia đình, thứ hai nữa là địa điểm cách ly không bảo đảm. Những trường hợp công dân có quyết định cách ly tại nhà chúng tôi sẽ vận động hộ gia đình, người thân phải chuyển vị trí để zành riêng cho người thân đang cách ly tại nhà”.

Cũng trong tháng 12/2021, dịch Covid -19 lại xuất hiện tại các khu chợ dân sinh – nơi tập trung đông người. Liên tục xử lý dịch bệnh trong từng tình huống, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đều xử trí với phương châm truy vết, khoanh vùng trong thời gian sớm nhất. Thực hiện Công văn số 748 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid – 19 tỉnh Gia Lai về việc tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cấp bách trong phòng, chống dịch  Covid – 19, trong đó yêu cầu các địa phương đang có dịch phức tạp phải thường xuyên đánh giá  diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý, sử dụng bản đồ, sơ đồ để đánh giá các mối liên quan, khoanh vùng,  phong tỏa theo nguyên tắc “vết dầu loang”.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa nói: “ Ban Chỉ đạo thị trấn đã tham mưu trực tiếp và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo huyện cho khoanh vùng và test nhanh toàn bộ khu vực chợ và đã được đồng ý cho test nhanh. Qua công tác truy vết thì chúng tôi cũng đã cơ bản gần như đã khoanh vùng được F1 của các F0 trong khu vực chợ”.

Anh Lâm Quang Lợi, Trạm Y tế phường Phù Đổng, Tp. Pleiku cho biết: “Sau khi có 1 ca nghi ngờ Trạm Y tế đã tiến hành lấy mẫu PCR gửi CDC tỉnh để làm kết quả xét nghiệm khẳng định đối với những ca này, tiếp theo đó Trạm Y tế sẽ tiến hành truy vết, khoanh vùng đối với những ca nghi ngờ , đồng thời khuyến cáo bà con phải thực hiện 5K đầy đủ để phòng chống dịch bệnh Covid đang có diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng”.

Trong đợt dịch lần thứ 4 này, tỉnh Gia Lai cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước đã đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch bùng phát nhanh với biến chủng mới và đã trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm trong cộng đồng. Nhưng nhìn một cách tổng thể, tỉnh Gia Lai vẫn cơ bản kiểm soát được dịch trong tình hình mới đó là “Zero Covid” để chuyển sang thích ứng an toàn. Theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn hiện tỉnh Gia Lai đang ở cấp độ 2 (mức nguy cơ trung bình). Tương ứng với cấp độ nguy cơ này các biện pháp hành chính và các biện pháp sinh hoạt xã hội khác đã được nới lỏng theo quy định để hướng đến đạt trạng thái bình thường mới. Đây là kết quả cộng hưởng từ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai.

Công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng

Tính từ ngày 26/4 đến ngày 30/12/2021, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận trên 7.000 ca mắc Covid – 19, một con số vượt mốc trên 5.000 ca mắc mà địa phương đã xây dựng trong kịch bản cao nhất để ứng phó. Tuy nhiên, các kịch bản ứng phó cho từng tình huống theo từng cấp độ nguy cơ trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 đều đã được ngành y tế xây dựng và triển khai, tất cả đều hướng đến mục tiêu chủ động giám sát diễn tiến dịch bệnh, phát hiện sớm ổ dịch, tiến hành dập dịch nhanh và triển khai chăm sóc, điều trị F0 an toàn, hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Tuấn , PGĐ phụ trách Sở Y tế Gia Lai cho biết: “Đối với ngành y tế để thực hiện vấn đề thu dung, điều trị có hiệu quả cũng đã triển khai các phương án thích ứng với tình hình mới. Đã xây dựng phương án điều trị bệnh nhân từ xa và xây dựng các trạm xá lưu động để sẵn sàng điều trị bệnh nhân sớm nhất tại chỗ và đã triển khai phương án các bệnh việc điều trị Covid -19 phân tầng theo quyết định của Bộ Y tế và có kế hoạch linh hoạt trong điều trị, chuyển tầng phù hợp và đã triển khai thuốc kháng vi rút tại các bệnh viện điều trị, có kế hoạch ứng phó với từng tình huống khi dịch bùng phát ở mức độ cao thì sẽ sẵn sàng điều trị F0 mà không có triệu chứng tại nhà”.

Để chuyển đổi biện pháp đáp ứng sang kiểm soát dịch bệnh tại chỗ, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, tập trung nguồn lực y tế cho công tác hồi sức cấp cứu, chăm sóc điều trị bệnh nhân mức độ trung bình và nặng tại các bệnh viện. Hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng thuộc 02 Bệnh viện Dã chiến và các cơ sở điều trị Covid – 19 trên toàn tỉnh đã được huấn luyện liệu pháp Oxy trong điều trị Covid – 19. Bởi nếu sử dụng oxy một cách hiệu quả sẽ giảm thiểu ca nặng và giảm tối đa tỷ lệ tử vong.

Ths, BS Đặng Thanh Tuấn, Bệnh viện Nhi đồng I, Tp. Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu dịch lan rộng chúng ta phải huy động toàn bộ hệ thống lực lượng của nhân viên y tế khác thì chất lượng chăm sóc đương nhiên sẽ không bằng anh, chị em ở chính khoa hồi sức cấp cứu cho nên là nhiệm vụ của lớp học này là không phải đào tạo cho bác sĩ hồi sức cấp cứu không mà đào tạo cho cả lực lượng nếu dịch xảy ra, lan rộng hơn chúng ta có thể huy động được lực lượng anh em đó tham gia điều trị Covid mới tốt được chứ nếu chúng ta không chuẩn bị sẵn lực lượng dự bị đó thì khi dịch tăng nhanh chúng ta không thể trở tay kịp”.

Khi đã nắm vững về chuyên môn trong công tác điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid – 19, các bác sĩ sẽ có những xử trí nhanh nhất, hạn chế tối đa đặt máy can thiệp đối với bệnh nhân. Và dĩ nhiên ở đâu cũng vậy, công việc nào cũng thế, khi mình đã gắn bó và làm việc hết trách nhiệm thì kết quả mang lại sẽ món quà vô giá. Đối với lực lượng tuyến đầu cũng vậy, món quà đầu năm mới với họ là những bệnh nhân Covid – 19 lần lượt được xuất viện. Để từ đó họ có thêm động lực chiến đấu lâu dài trước biến chủng mới nguy hiểm hơn đó là biến chủng Omicron.

Bác sĩ Nguyễn Công Huấn , Bệnh viện Dã chiến số 3 bày tỏ: “Trong thời gian điều trị dài như thế này có 08 bệnh nhân tôi ấn tượng nhất, nếu như người ta không chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, về tinh thần thì có thể người ta không qua khỏi được vì bệnh rất nặng. Thậm chí có những lúc nhụt chí một tí là mình đã đặt máy can thiệp rồi, nguy hiểm lắm. Hiện tại còn 4 bệnh nhân tôi ấn tượng lắm, chiều qua tôi có họp giao ban với anh em ở đây tôi nói sự hồi phục của bệnh nhân là một bó hoa tặng anh, em mình’.

Ông Phạm Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 2 cũng cho biết: “Tôi đã tham gia Bệnh viện dã chiến từ đầu năm 2021 trước dịp Tết Nguyên đán năm vừa rồi, cũng như tất cả các anh em đã tham gia tuyến đầu rất là nhiều nên cũng hy vọng là sau khi được tiêm đủ 02 mũi vắc xin và đặc biệt là có kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đặc biệt là tiêm cho trẻ em nữa hy vọng cuộc chiến sắp tới đây sẽ sớm trở lại bình thường và khi đó chúng tôi sẽ được về lại với công việc thường ngày”.

Xác định công tác chống dịch cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vì vậy ngoài sự tham gia tích cực trong công tác điều trị của Bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, các bệnh viện dã chiến mới được thành lập thì các bệnh viện tư nhân đã có đóng góp rất lớn trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh từ hỗ trợ tiêm chủng vắc xin đến thiết lập hệ thống điều trị.

 BS CKII Trương Đình Hưng, PGĐ Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai nói: “Bệnh viện được phân thành bệnh viện điều trị tầng 3, kế hoạch ban đầu là 50 giường sau đó nâng lên thì bệnh viện cũng có kế hoạch hết rồi, đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn oxy, bệnh viện có oxy để khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh Gia Lai với số lượng lớn, bênh nhân nặng nhiều thì bệnh viện sẽ sẵn sàng cùng với tỉnh để tham gia điều trị’.

Tại Kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm 2021 – 2021 tổ chức trong 3 ngày (8/12 đến ngày 10/12), đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ghi nhận và tri ân công lao to lớn của lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch của tỉnh trong suốt thời gian vừa qua: “Chúng tôi rất tri ân các lực lượng tuyến đầu: y tế, các lực lượng vũ trang; đặc biệt là quân đội, công an, các đồng chí đã ngày đêm để mà triển khai các biện pháp phòng, chống dịch không mệt mỏi. Có nhiều đồng chí đã thức suốt nhiều đêm, rồi thậm chí là chúng ta tăng cường lực lượng cho các tỉnh phía Nam để chúng ta tham gia hỗ trợ, thưa các đồng chí vất vả lắm. Được sự bình yên như hôm nay, được sự phát triển như hôm nay thì phải nói rằng công của các đồng chí này phải nói là công đầu; bởi nếu dịch bệnh mà tràn lan thì ta không thể phát triển được. Đồng thời đó là sự đồng lòng, thống nhất tuân thủ của người dân, tôi cho rằng đây là nhân tố hết sức quan trọng để ta thành công trong phát triển”.

Trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron, tỉnh Gia Lai đã và đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid – 19, theo đó đến thời điểm hiện tai có gần 97% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi vắc xin, tiêm liều cơ bản đạt trên 81%. Còn đối với trẻ từ 12 – 17 tuổi địa phương tiêm mũi 1 đến thời điểm hiện tại cũng đã đạt gần 91%. Hiện tỉnh Gia Lai đã triển khai tiêm mũi 3, tiêm liều nhắc lại đối với lực lượng tuyến đầu và người dân từ 50 tuổi trở lên để tạo miễn dịch trong cộng đồng càng sớm càng tốt./.

Vượt qua nhiều thử thách và từng giai đoạn cam go của dịch bệnh, tỉnh Gia Lai đều đã có những quyết sách và hướng đi đúng đắn với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Và đến thời điểm này, trải qua 2 năm ròng rã chống dịch, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhanh các gói chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 116 của Chính phủ, Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 441 của UBND tỉnh.

Kịp thời thực hiện chính sách an sinh xã hội

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và cả nước nói riêng, nhất là những người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, những lao động tự do phải chạy gạo từng ngày. Để đảm bảo người dân không ai phải thiếu ăn, bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch, cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, tỉnh đã tập trung triển khai kịp thời các gói chính sách an sinh xã hội giúp người dân đảm bảo đời sống, vượt qua đại dịch Covid-19.

Chị Nay H’ SaChel, Thị xã Ayun Pa nói: “Số tiền hỗ trợ Covid – 19 từ BHTN tuy không lớn nhưng phần nào giúp em trong công việc  sinh hoạt với lại em cũng sắp sinh con, Bên bảo hiểm đã giúp em rất nhiều”.

Là một trong nhiều đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh Gia Lai bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, Nhà máy hạt điều Long Sơn, thị xã Ayun Pa cũng bị ảnh hưởng nặng,  việc giảm công suất xuống 50% đã  khiến nhiều lao động giảm thu nhập, ảnh hướng đến chất lượng cuộc sống. Điều đáng mừng là đầu tháng 10/2021, tất cả những lao động ở đây đều được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN từ 1,8 triệu đồng cho đến mức cao nhất là trên 3 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Luyến, Giám đốc Nhà máy hạt điều Long Sơn, thị xã Ayun Pa cũng cho biết: “Tình hình dịch Covid -19 nhà máy chúng tôi đã ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là phải giảm công suất xuống. BHXH đã hỗ trợ rất kịp thời đối với người lao động của nhà máy, người lao động rất là vui mừng”.

Ông Phạm Tiến Lực, Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai  cho biết: “Trên địa bàn của tỉnh Gia Lai tổng số tiền chi trả đến khi kết thúc Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 31/12 với tổng số tiền khoảng 143 tỷ đồng. Trong đó giảm 1% mức đóng vào BHTN cho đơn vị sử dụng lao động với số lượng trên 2000 đơn vị và khoảng 43 ngàn lao động với số tiền khoảng  23 tỷ đồng. Việc chi trả cho người lao động gặp nhiều khó khăn nhưng mà chúng tôi đã quyết liệt chi trả cho trên 40 ngàn lao động đang tham gia BHTN với số tiền 104 tỷ và chi trả cho số người tham gia BHTN từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2021 cho khoảng 7 ngàn người”.

Tính đến hết ngày 29/12/2021, tỉnh Gia Lai đã chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19  theo đúng quy định với tổng số tiền gần 189 tỷ 872 triệu đồng.  Có thể thấy song song với công tác phòng, chống dịch Covid – 19 thì việc đảm bảo an sinh xã hội là một việc làm rất quan trọng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Hiểu được điều đó, Chính phủ đã đưa ra những phương án giải quyết để hỗ trợ kịp thời cho người dân với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai diễn ra căng thẳng, gây nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã  kịp thời xử lý tốt, linh hoạt, sáng tạo từng vấn đề, không gây ra những khủng hoảng, bất an trong nhân dân; đảm bảo cân bằng giữa phòng, chống dịch và làm tốt công tác an sinh xã hội, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tạo niềm tin và sự lạc quan trong các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

Lệ Xuân, R’Piên


Lượt xem: 49

Trả lời