Thị xã An Khê bảo vệ và phát huy giá trị nhà cổ

Cập nhật 13/11/2019, 16:11:19

Trải qua hàng trăm năm, số lượng nhà cổ với kiến trúc đặc trưng của người Việt xưa trên vùng đất Tây Sơn Thượng Đạo, tức An Khê ngày nay không còn nhiều. Chính vì vậy, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đang nỗ lực để bảo tồn từng căn nhà cổ.

Diện tích không lớn, kiến trúc giản dị, khiêm nhường và hòa nhập với làng quê; 3 gian, 2 chái, ít cửa, cổ kính nhưng luôn tạo được sự thoáng mát và thân thiện cho khách mỗi khi đến thăm nhà, đó là những chi tiết rất đặc trưng của những ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm tuổi ở vùng đất An Khê. Hầu hết các ngôi nhà vẫn còn giữ được nguyên dạng, kết cấu và chạm khắc từ xưa. Vách tường bằng đất, mái lợp ngói vảy âm dương; các cột, kèo, lớp cách nhiệt của nhà vẫn còn nguyên.

Ông Lê Ngọc Toàn – thị xã An Khê, Gia Lai tâm sự: “Ngôi nhà này từ thời ông nội đến cha và là tôi đang ở. Gia đình cũng rất là tự hào về ngôi nhà này, theo thời gian thì không tránh khỏi sự xuống cấp. Tuy nhiên cũng cố gắng hết sử giữ nguyên như cũ, trong định hướng tu sửa làm lại tường, vách, mái lợp…thì cũng giữ nguyên hồn cốt như trước đây.”

Hiện nay, An Khê còn 4 ngôi nhà cổ, trước đây, người dân gìn giữ những ngôi nhà xưa như là nơi thờ tự tổ tiên, nay chủ nhân của những ngôi nhà này còn hiểu thêm rằng, việc bảo vệ nhà cổ là bảo vệ các giá trị truyền thống.
Tuy vậy, thực tế do khó khăn về kinh tế và chưa hiểu biết về nhà xưa nên việc bảo vệ các ngôi nhà này còn gặp nhiều khó khăn. Đã có một số gia đình chọn cách xây khung, thay lại mái ngói, vách đất bị sập được xây lại bằng vật liệu mới… để bảo vệ ngôi nhà cổ của mình làm.

Ông Nguyễn Thanh Quý – Phó Trưởng phòng VHTT thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Vừa qua, địa phương đã mời các chuyên gia về trực tiếp khảo sát thực tế và có bản vẽ chi tiết về các ngôi nhà cổ này. Qua đây, các chuyên gia đưa ra các phương án bảo vệ các ngôi nhà cổ một cách tốt nhất để định hướng, tư vấn cho địa phương. Ngành chức năng sẽ phối hợp với các chủ nhân của ngôi nhà tiếp tục có phương án bảo vệ một cách tốt nhất. Trong định hướng tạo sự kết nối với các điểm du lịch văn hóa trên địa bàn thị sẽ giới thiệu cho khách tham quan.”

Thạc sỹ Sử học Nguyễn Hồng Thắng, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: ” Nhà cổ là nét văn hóa đặc trưng cho sự giao thoa văn hóa giữa miền ngược và miền xuôi. Những ngôi nhà này rất đặc biệt, ngoài hoa văn chạm khắc tinh xảo, ngói vảy âm dương thì còn có lớp trần cách nhiệt bằng đất mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát… Để bảo vệ được giá trị ngôi nhà nhà thì không phải là chuyện dễ, cần phải có sự nghiên cứu kỹ của chuyên gia, sự nỗ lực địa phương, của gia chủ. Nếu bảo vệ tốt thì đây là điều rất đáng mừng cho văn hóa, du lịch của An Khê.”

Dù không dễ dàng, người dân và chính quyền địa phương vẫn đang cố gắng giữ gìn ngôi nhà cổ đã có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Trên mỗi chi tiết của cột, kèo vẫn còn nguyên những nét chạm khắc chứa đựng đặc trưng kiến trúc và sự tài hoa của những nghệ nhân người Việt.
An khê hiện còn 4 ngôi nhà cổ – Những ngôi nhà cổ được lưu giữ chính là giá trị văn hóa, bản sắc và cũng là một sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của vùng đất Tây Sơn Thượng./.

Nhóm phóng viên


Lượt xem: 145

Trả lời