Tháo gỡ những khó khăn cho nông dân bị thiệt hại do tiêu chết

Cập nhật 12/7/2018, 14:07:15

Theo thống kê, chỉ trong 2 năm (2016 và 2017), toàn tỉnh có hơn 1.000 ha tiêu bị chết, nhiều nhất là ở huyện Chư Pưh. Không những vậy, vài năm trở lại đây giá tiêu xuống quá thấp(chỉ từ 55 đến 65 nghìn đồng/kg) nên nhiều nông dân trồng tiêu rất khó khăn. Đặc biệt, các hộ vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất cây trồng này thì càng khó khăn và lâm vào cảnh nợ nần. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương, đồng thời đề xuất các ngân hàng triển khai các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất cây tiêu. Phóng sự sau được thực hiện tại huyện Chư Pưh.

  

Hàng trăm gia đình ở huyện Chư Pưh đã rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất, thậm chí có gia đình trắng tay do tiêu chết hàng loạt không thể cứu được.

Ông Trương Văn Quế – thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Ở xã Ia Le có hơn 80% hộ trồng tiêu bị thiệt hại do tiêu chết. Nhiều người vay ngân hàng để trồng tiêu nhưng giờ tiêu chết và giá xuống thấp không có khả năng trả nợ. Nhiều người bỏ đi làm xa để trả nợ ngân hàng nhưng trả không đủ”.

Toàn huyện Chư Pưh hiện có 8.104 hộ vay vốn các ngân hàng với trên 1.521 tỷ đồng để đầu tư sản xuất cây tiêu, trong đó đã có 2.668 hộ bị thiệt hại với tổng dư nợ bị thiệt hại là gần 794 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Chư Pưh đã cho 1.487 hộ vay với 475,7 tỷ đồng để đầu tư sản xuất cây tiêu. Thực hiện đề nghị của chính quyền địa phương, đến nay đơn vị này đã cơ cấu lại thời gian trả nợ và khoanh nợ, giãn nợ trong thời gian phù hợp cho 109 khách hàng với tổng dư nợ hơn 53 tỷ đồng.

Ông Đỗ Hồng Nam – Phó GĐ Ngân hàng NN& PTNT Chi nhánh huyện Chư Pưh, Gia Lai nói: “Thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của ngành, đơn vị đã chủ động làm việc với khách hàng vay vốn để đầu tư sản xuất cây tiêu nhằm triển khai các biện pháp để góp phần giúp bà con tháo gỡ khó khăn”.

Ông Lương Công Lâm cho biết, gia đình ông đã vay 600 triệu đồng từ Ngân hàng NN& PTNT Chi nhánh huyện Chư Pưh để đầu tư trồng tiêu, giờ tiêu đã chết rụi. Nếu không có chính sách khoanh nợ, giãn nợ mà ngân hàng đã triển khai thì gia đình ông sẽ khốn đốn.

“Nhờ có chủ trương của tỉnh và chính sách của ngân hàng về khoanh nợ vay mà gia đình đã bớt khó khăn. Nếu không có chính sách này gia đình tôi cũng như nhiều gia đình trồng tiêu khác rất khó khăn”, ông Lâm  nói.

Ông Nguyễn Long Khánh- Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh- Gia Lai cho biết: “Phòng đã tham mưu cho chính quyền địa phương đề xuất với các ngân hàng thực hiện các chính sách như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đối với các hộ vay đầu tư sản xuất tiêu nhưng tiêu đã chết. Mặt khác liên hệ với các doanh nghiệp có khả năng để liên kết sản xuất với nông dân nhằm tìm đầu ra nông sản ổn định cho bà con”.

Chủ trương của UBND về việc đề nghị ngành ngân hàng triển khai các giải pháp để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hộ vay vốn đầu tư sản xuất cây tiêu nhưng bị thiệt hại do tiêu chết đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tuy nhiên, số khách hàng được thụ hưởng các chính sách trên chưa nhiều nên nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Gia Lai cần kết nối các ngân hàng thương mại đứng chân trên địa bàn tỉnh triển khai kip thời và đồng bộ hơn nữa các chính sách để tháo gỡ cho nhiều khách hàng vay vốn bị thiệt hại do tiêu chết./.

Hà Đức, R’Piên


Lượt xem: 56

Trả lời