Tết sớm trên đảo Sơn Ca

Cập nhật 11/2/2015, 14:02:20

Khắc phục khó khăn, thiếu thốn nơi đảo xa, những người lính trên đảo Sơn Ca thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã khiến chúng tôi bất ngờ bởi không khí Tết cổ truyền đầm ấm, thắm tình đồng đội.

 

Đảo Sơn Ca vào xuân.

 

Dù đã được nghe kể nhiều về Trường Sa, nhưng trên chuyến hành trình cùng đoàn công tác của Lữ đoàn 146 đến tuyến đảo phía bắc huyện đảo Trường Sa lần này, tôi mới thấy sức chịu đựng trước sự khắc nghiệt, dữ dội của thiên nhiên và tinh thần lạc quan, yêu đời của những người lính đảo thực sự đáng khâm phục. Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc, nơi chỉ có sóng gió và cái nắng cháy thịt, cháy da. Trường Sa, nơi thử thách lòng kiên trung của bất cứ người con đất Việt nào đã từng một lần đặt chân đến. Nhưng cũng từ chính nơi này, tinh thần lạc quan và tình yêu đất nước được thể hiện một cách rõ ràng nhất, trong sáng nhất.

 

Cán bộ, chiến sỹ chuẩn bị đón tết.

 

Trên đảo Sơn Ca, hòn đảo có cái tên đẹp nhất trong quần đảo Trường Sa, những người lính trẻ vẫn tất bật, vô tư và vui vẻ chuẩn bị đón Tết cổ truyền giữa những hiểm nguy hàng ngày, hàng giờ rình rập trên biển. Dù đã đủ đầy hơn, sung túc hơn nhờ sự quan tâm của đất liền, nhưng do khoảng cách quá xa, việc đi lại vất vả nên việc lo Tết trên đảo xa nhiều khi không thể chu toàn. Vì vậy, lính đảo đã có những sáng tạo đặc biệt để ngày Tết trở nên đầy đủ hơn. Bánh chưng, món ăn không thể thiếu mỗi khi Tết đến, xuân về được các chiến sĩ trên đảo Sơn Ca chuẩn bị vô cùng khéo léo và độc đáo. Dưới bàn tay thoăn thoắt của các chiến sĩ trẻ, từng xấp lá dong, lá bàng vuông đã được rửa, cắt gọn gàng. Những chiếc lá bàng vuông xanh mỡ màng được các chiến sĩ xếp ngay ngắn bên cạnh chồng lá dong vừa gửi từ đất liền ra.

 

Chiến sỹ Đảo Sơn Ca gói bánh trưng.

Trong không khí vui tươi chào đón năm mới Thiếu tá Nguyễn Xuân Sơn, Cụm chiến đấu 3, đảo Sơn Ca tâm sự: Cư mỗi dịp tết đến xuân về đối với cán bộ chiến sỹ trên đảo Trường Sa thì khi gói bánh trưng chúng tôi thường gói bằng lá bàng vuông, lá bàng này có tác dụng rất tốt làm tăng thêm độ mềm dẻo cho hạt gạo, thứ 2 tăng thêm độ xanh cho hạt gạo để bảo quản rất lâu dài và được sử dụng ăn rất là ngon và thơm. Ở đây lá bàng cờ vuông trên quần đảo Trường Sa có tác dụng rất tốt là hệ thống che chắn bảo đảm yếu tố bí mật cho trận địa Trường Sa, thứ 2 là nơi bóng mát và nơi vui chơi giải trí cho cán bộ chiến sỹ sau những giờ tháng tập luyện mệt mỏi.

 

Gói bánh trưng bằng lá bàng vuông.

 

Bánh chưng ở đảo cũng được gói bằng lá dong, lạt dang, đỗ xanh, thịt mỡ và các gia vị khác như trên đất liền. Tuy nhiên, do điều kiện đảo ở xa, lá dong chuyển ra được đến nơi thì phần lớn đã chuyển mầu hoặc héo úa. Vì vậy, lá dong lúc nào cũng thiếu nên lính đảo nghĩ ra cách dùng lá bàng vuông lót bên trong, lá dong bọc bên ngoài để gói bánh. Dần dần, lính đảo không dùng xen kẽ nữa mà dùng lá bàng vuông thay thế hoàn toàn lá dong. Muốn có lá bàng đạt yêu cầu, chiến sĩ phải hái lúc sáng sớm, lúc lá còn tươi. Lá gói bánh phải là lá bánh tẻ, không được già quá hoặc non quá. Lá già quá thì giòn, dễ rách còn non quá thì bánh không có mầu xanh đặc trưng. Lá bàng vuông xù xì và có nhiều gân nên lính đảo nhúng qua nước ấm hoặc hơ trên lửa để lá mềm và dai. Sau khi chọn được lá rồi, các công đoạn tiếp theo giống như sử dụng lá dong truyền thống. Tuy nhiên, việc đo khuôn, cắt lá và xếp lá vào khuôn đòi hỏi người lính phải khéo léo do lá bàng vuông cứng và dễ rách. Khi cho gạo và nhân vào bánh, người gói phải nêm thật chặt để gạo và nhân thịt không bung ra ngoài khi luộc. Khi chín, miếng bánh có màu xanh nước biển và thơm hơn nhiều so với bánh gói bằng lá dong. Nếm miếng bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông, tôi cảm nhận được hương vị mặn mà của biển, vị chát của lá bàng. Tất cả hòa quyện vào nhau đem lại cho bánh một mùi vị chỉ có riêng ở hải đảo xa xôi.

 

Chiến sỹ Lê Khánh Hậu, Cụm chiến đấu 3, đảo Sơn Ca, Trường Sa chia sẻ: Gói bánh trưng bánh tét ở đây gói bằng lá bàng ở quê không gói bằng lá bàng mà gói bằng lá chuối. Tôi có lời chức tới gia đình ăn tết vui vẻ an khang thịnh vượng chúc gia đình dồi dào sức khỏe và chúc anh chi em có công ăn việc làm tốt hơn.

 

Trung úy Lê Thanh Cảnh – Phân đội 2 cụm chiến đấu 3- Đảo Sơn Ca tâm sự: Đầu tiên đón năm mới xa nhà, cũng là lần đầu tiên đón năm mới ngoài đảo nên cũng nhiều cảm xúc, chúc gia đình năm mới sức khỏe an khang thịnh vượng.

 

Trang hoàng hoa xuân đón tết.

 

Không khí đón Tết trên đảo Sơn Ca trở nên ấm cúng, thân thiết hơn khi tiếng í ới gọi nhau mổ lợn, mổ gà, kê nồi đặt bếp đun bánh hay xếp lại mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ quốc, trang trí lại cành đào, cành mai rộn ràng ở khắp các cụm chiến đấu. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, những loại cây yếu ớt như cây mai, cây đào không thể nào sống nổi. Nhưng chiến sĩ đảo xa không chịu khuất phục hoàn cảnh. Những cây mai, cành đào được làm từ cành cây mù u còn hoa được những người lính khéo tay cắt dán từ những mảnh giấy mầu được gửi từ đất liền ra. Sau khi hoàn thành, những cành đào, cành mai tràn đầy sắc xuân được bày ở vị trí trang trọng nhất trong hội trường ở các cụm chiến đấu trên đảo.

 

Đại tá Ngô Duy Đỗ-Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân cho biết: Cứ theo quy luật tự nhiên hàng năm tết đến xuân về công tác chuẩn bị đón tết của cán bộ chiến sỹ lữ đoàn 146 nói chung và riêng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nói riêng trước khi tết thì cơ quan hậu cần của lữ đoàn tổ chức đi khai thác các mặt hàng phục vụ cho chiến sỹ ở lại đón tết ở Trường Sa có đầy đủ mặt hàng cơ bản nhất của truyền thống, người dân trên đất liền đón tết như thế nào thì cán bộ chiến sỹ cũng đón tết như thế cũng có thịt lợn, bánh trưng, có giò, chả, nem, mộc nhĩ đầy đủ.

 

Trên đảo xa, bữa cơm Tất niên được tổ chức sớm nhưng thật đầm ấm và gần gũi. Các món truyền thống như nem cuốn, giò, chả, bát canh măng miến, mộc nhĩ… cũng được các chiến sĩ chế biến công phu, tỉ mỉ và đầy đủ như ở đất liền. Dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng bộ đội Trường Sa đón Tết cũng vui không kém ở nhà. 

Đức Mạo (Đài TT-TH Krông Pa)


Lượt xem: 114

Trả lời