Tăng cường phòng trừ sâu bệnh cuối vụ Đông xuân 2019-2020

Cập nhật 26/2/2020, 10:02:48

Theo thông báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai về tình hình sinh vật gây hại cây trồng trên địa bàn tỉnh, mặc dù sản xuất vụ Đông xuân năm 2019-2020 đang bước vào giai đoạn giữa và cuối vụ, nhưng vẫn còn có một số đối tượng sâu bệnh gây hại mạnh trên cây trồng chính; có nguy cơ phát sinh gây hại trên diện rộng. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra; Sở NN&PTNT  đề nghị các địa phương cần quan tâm chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh cuối vụ Đông xuân. Theo đó:

Đối với cây cà phê: Thường xuyên vệ sinh vườn cây như cắt tỉa cành bị sâu bệnh; điều tra định kỳ để phát hiện sự xuất hiện, mật số của rệp sáp từ đó chủ động phòng trừ sớm. Riêng với những diện tích đất chuẩn bị trồng tái canh cần cày sâu phơi ải đất, thiết kế lô, xử lý hố trồng, chuẩn bị cây giống đảm bảo trước khi đi vào trồng mới.

Đối với cây hồ tiêu: Những vườn cây đã bị chết, hướng dẫn nông dân thu gom, vệ sinh vườn; xử lý đất. Những diện tích còn sống, khuyến cáo nông dân không bỏ vườn, tiếp tục chăm sóc. Mở rộng sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, Oganic,…

– Đối với cây điều: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, tỉa cành tạo tán cho vườn điều thông thoáng hạn chế nơi trú ngụ của của các đối tượng sâu bệnh gây hại. Riêng đối với bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại điều, cần kiểm tra vườn thường xuyên, nhất là vào thời kỳ cây điều ra hoa, quả non để phát hiện và phòng trừ kịp thời.

 Đối với cây mía: Tiếp tục tuyên truyền cho người trồng mía nhận thức được tác hại của bệnh trắng lá mía và các giải pháp phòng trừ do cơ quan chuyên môn hướng dẫn; kiểm soát chặt chẽ nguồn hom giống trước khi trồng mới để tránh bệnh lây lan. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời nguồn bệnh để xử lý.

– Đối với cây sắn: Tiếp tục thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại địa phương về hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn do cơ quan chuyên môn hướng dẫn; tăng cường công tác tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống bệnh. Những diện tích sắn trồng vụ Mùa 2019 đang nhiễm bệnh thì vận động nông dân thu hoạch nhanh gọn, khuyến cáo không được lấy hom giống để trồng cho vụ sau.

– Đối với cây ngô: Xây dựng lịch trồng ngô tập trung, phù hợp với điều kiện của từng địa phương trên địa bàn tỉnh; sử dụng các giống ngô có tính kháng sâu keo mùa thu để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính dự báo chính xác các lứa sâu keo mùa thu phát sinh gây hại để có biện pháp tổ chức phòng trừ có hiệu quả. Chủ động bố trí kinh phí địa phương để hỗ trợ phòng, chống Sâu keo mùa thu khi mới xuất hiện đang còn diện hẹp./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 33

Trả lời