Tăng cường công tác xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương

Cập nhật 03/8/2020, 14:08:21

Ngày nay, với nền kinh tế thị trường mở đòi hỏi các sản phẩm đưa ra thị trường phải đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định, có nguồn gốc xuất xứ, có nhãn mác, tiêu chuẩn, quy chuẩn và tính cạnh tranh. Cùng với đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương phải xác định được “tên tuổi và chỗ đứng” trên thị trường trong và ngoài nước. Để làm được điều này, việc xây dựng nhãn mác, thương hiệu cho các sản phẩm hay nói rộng hơn là việc xác lập tài sản trí tuệ để được bảo hộ phải được các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh chú trọng thực hiện ngay từ đầu. Đây cũng là điều được Sở KH&CN Gia Lai chú trọng thực hiện trong thời gian qua nhằm đẩy mạnh hoạt động đăng ký về sở hữu trí tuệ, nhất là đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.

Từ năm 2019, tỉnh Gia Lai đang tập trung triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu khai thác và phát triển các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Sau hơn một năm triển khai, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai có chất lượng tốt đã được chương trình OCOP khẳng định, qua đó không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ ở địa phương mà còn được mở rộng phân phối ở các chuỗi siêu thị trong cả nước. Một trong những yếu tố làm nên thành công này chính là việc xây dựng nhãn mác, thương hiệu cho sản phẩm là điều được các DN, HTX, cơ sở sản xuất chú trọng ngay từ khi tham gia chương trình.

Nhãn hiệu Rượu ghè Tuyết ở ở làng Leng Tô, thị trấn Đăk Pơ là sản phẩm được huyện Đăk Pơ lựa chọn để tập trung hỗ trợ phát triển theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2020. Đây là sản phẩm rượu truyền thống được chính người Bahnar ở làng Leng Tô sản xuất và đã có mặt trên thị trường được hơn 10 năm nay. Người Bahnar ở Đăk Pơ hầu như ai cũng biết làm rượu ghè và nhà nào cũng tự làm được rượu ghè để uống. Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm này ra thị trường với thương hiệu, nhãn hiệu riêng thì đến nay cũng chỉ có bà Đinh Thị H’Phiên, chủ cơ sở sản xuất rượu ghè Tuyết mạnh dạn làm.

Bà Đinh Thị H’Phiên, Chủ cơ sở sản xuất rượu ghè Tuyết, thị trấn Đăk Pơ, huyện Đăk Pơ, Gia Lai nói: “Bây giờ khi đã có được chất lượng rồi mình sẽ phát triển về mẫu mã, về nhãn hiệu và các yêu cầu về chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Thì tôi cũng đã đăng ký nhãn hiệu với Sở KH & CN rồi. Giờ huyện cũng hỗ trợ theo chương trình OCOP thì thấy rất vui. Mong làm sao càng ngày càng nhiều người biết đến sản phẩm, sử dụng sản phẩm để có được thu nhập cao hơn”.

Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng được ngành NN&PTNT phối hợp với ngành KH&CN chú trọng thực hiện khi triển khai chương trình OCOP.

Ông Nguyễn Hiệp, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Đăk Pơ, Gia Lai cho biết: “Ngay từ khi bắt đầu triển khai đề án chương trình thì huyện cũng đã thông báo cho các xã, các cơ sở sản xuất, HTX để đăng ký thực hiện. Thì qua đăng ký, huyện cũng đã thống nhất lựa chọn những sản phẩm đạt yêu cầu để hỗ trợ, phát triển theo chương trình OCOP. Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hội thảo để các đơn vị nắm được và triển khai”.

Không chỉ riêng các sản phẩm tham gia OCOP, việc xác lập quyền sở hữu để được bảo hộ cũng như để quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường là việc làm hết sức cần thiết cần được người dân, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh quan tâm. Nhận thức vấn đề này, với vai trò, trách nhiệm của mình, Sở KH&CN Gia Lai đã triển khai tích cực công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho đông đảo cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh và tạo lập, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, so với tiềm năng thế mạnh của địa phương, kết quả thực hiện về sở hữu trí tuệ vẫn chưa được tương xứng.

PGS.TS Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam trao đổi: “Trong những năm vừa qua Gia Lai là 1 trong những đơn vị đi sớm để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hay chất lượng sản phẩm nhưng mà làm chưa được đài trà. Chúng tôi rất mong khi nhà nước mình đã có cạnh tranh giữa các tỉnh với nhau hay Việt Nam đã bắt đầu vào WTO  thì cạnh tranh rất lớn. Chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo các DN của tỉnh Gia Lai phải nhận thức rõ cái này. Thiếu tài sản vô hình hay thiếu tài sản SHTT của DN chúng ta không thể phát triển được. Làm những cái này tất nhiên của những quy tắc có những khó khăn của nó, chúng ta phải tìm hiểu. Vì nếu không làm được cái này chúng ta sẽ thua thiệt ngay trên chính mảnh đất Gia Lai của mình”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hầu hết các doanh nghiệp, hộ sản xuất, tổ chức hợp tác xã/hội sản xuất kinh doanh sản phẩm chỉ tập trung vào phát triển sản xuất và chưa xem trọng về giá trị tài sản sở hữu trí tuệ (cụ thể là quyền sở hữu công nghiệp); chưa nhận thức được tầm quan trọng trong việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ như là một lợi thế tích cực trong việc mở rộng đầu tư và cạnh tranh thị trường. Cùng với đó là tâm lý e ngại của nhiều cá nhân, tổ chức với việc đăng ký xác lập quyền cho sản phẩm trí tuệ của mình vì nhiều lí do như sợ thủ tục phức tạp, thời gian đăng ký kéo dài, trong quá trình đăng ký phải thay đổi thông tin nhiều lần…

Thực tế cho thấy, để khai thác có hiệu quả và phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực qua đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế tỉnh một cách bền vững vững thì việc tạo lập, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, của địa phương thông qua việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu là việc làm hết sức cần thiết, được coi là yếu tố sống còn để phát triển doanh nghiệp. Đối với vấn đề này, UBND tỉnh đã có chủ trương khi đã đã ban hành các cơ chế chính sách về hỗ trợ xác lập quyền SHTT và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Ngành KH&CN cũng đã tích cực vào cuộc. Phần còn lại chính là phụ thuộc vào sự tham gia chủ động của các cá nhân, doanh nghiệp, HTX… để bảo vệ tài sản vô hình của mình và biến nó thành công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay./.

Ngô Thanh – Ngọc Hà – Minh Trí


Lượt xem: 29

Trả lời