Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học

Cập nhật 16/9/2019, 08:09:58

Bước vào năm học mới cũng là thời điểm chuyển mùa, khí hậu thất thường là môi trường thuận lợi để các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển. Đáng lo ngại là hiện nay nhiều địa phương, trong đó có Gia Lai đang đối diện với cao điểm dịch sốt xuất huyết. Trong khi đó trường học lại là nơi tập trung đông người rất dễ phát sinh dịch bệnh nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Phường Hội Phú là địa bàn trọng điểm về sốt xuất huyết của thành phố Pleiku với trên 150 ca mắc đã ghi nhận từ đầu năm đến nay. Để chủ động phòng bệnh cho học sinh ngay trước ngày tựu trường, chiến dịch vệ sinh môi trường, loại bỏ những vật dụng ứ đọng nước, diệt lăng quăng bọ gậy đã được triển khai đồng loạt đến tất cả 6 trường học trên địa bàn phường.

Y sỹ Hồ Thái Sơn-Phó Trưởng Trạm Y tế phường Hội Phú, Tp.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn phường diễn ra hết sức phức tạp. Vừa rồi triển khai kế hoạch phun hóa chất chủ động cho tất cả các trường. Ngoài ra, đầu năm cũng có kế hoạch xây dựng để trạm y tế khám cho tất cả các trường vào đầu năm học mới, tư vấn về dinh dưỡng, hướng dẫn phòng bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ và các bệnh truyền nhiễm khác”.

Một dịch bệnh cũng có nguy cơ cao thời điểm này là tay chân miệng. Đây là dịch bệnh dễ lây lan, không có vắc xin phòng dịch. Sở dĩ bệnh tay chân miệng thường tăng mạnh, bùng phát vào mùa tựu trường là do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Chỉ cần một trẻ bị bệnh tay chân miệng là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào, do vậy công tác vệ sinh trường học cần được đặc biệt quan tâm.

Cô Nguyễn Thị Thu Hường – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Sen, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Đầu năm học nhà trường đã tổ chức tổng vệ sinh trường lớp sạch đẹp, những dụng cụ chứa nước không để trong trường học. Trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng nhà trường có biện pháp phòng chống dịch bệnh ở trường là vệ sinh sạch sẽ, sử dụng đồ dùng cá nhân riêng biệt, cho trẻ vệ sinh cá nhân rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn ,sau khi đi vệ sinh và những lúc trẻ hoạt động ngoài sân trường, tuyên truyền phụ huynh để ý con em mình nếu có các biểu hiện về tay chân miệng kịp thời báo cho cô giáo không cho trẻ đến trường”.

Bà Phạm Thị Kim Thoa – Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku, Gia Lai cũng cho biết: “Phòng đã có văn bản chỉ đạo đến tất cả các trường thực hiện tổng vệ sinh trường học phòng chống dịch bệnh, vừa qua có dịch bệnh chân tay miệng, sốt xuất huyết chỉ đạo các trường vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, phối hợp với trạm y tế phun thuốc cho các trường đặc biệt các trường tổ chức ăn bán trú càng quan tâm hơn”.

Mùa tựu trường, thời tiết thay đổi thất thường cộng với môi trường học đường tập trung nhiều học sinh sẽ khiến nhiều trẻ bị mắc các bệnh lây nhiễm; chủ yếu là các bệnh tay chân miệng, sởi, bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa… Đối với những bệnh có vắc xin phòng ngừa, việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ và thực hiện 3 sạch: ăn sạch, uống sạch và chơi đồ chơi sạch là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng chống bệnh./.

Kim Châu , Lệ Xuân, Thanh Sáng


Lượt xem: 29

Trả lời