Tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô

Cập nhật 20/7/2019, 14:07:29

Sau khi xâm nhập vào nước ta, sâu keo mùa thu đã phát sinh và gây hại cục bộ ở hầu hết các tỉnh, thành có trồng ngô. Nếu không kịp thời có những biện pháp phòng trừ thì dự báo diện tích ngô bị thiệt hại sẽ lên đến con số hàng trăm ngàn ha. Đứng trước nguy cơ này, sáng ngày 19.7, tại thành phố Pleiku, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì đã tổ chức Hội nghị tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa thu tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, tính đến nay cả nước có gần 15 ngàn hecta ngô bị sâu keo mùa thu gây hại, trong đó các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gần 7 ngàn hecta, riêng Gia Lai gần 5 ngàn hecta. Đặc điểm của sâu keo mùa thu là đục sâu vào thân cây, lõi ngô nên khi sâu trưởng thành thì hầu như phun thuốc bảo vệ bên ngoài sẽ không thể tiêu diệt được. Loài sâu này sinh sản nhanh, nhiều, có thể sinh sản đến 800 trứng trong một vòng đời, nên trên mỗi thân cây sẽ xuất hiện nhiều lứa tuổi sâu khác nhau. Bướm sâu keo mùa thu có thể bay xa đến 500 km, nên diện phát tán rộng, đặc biệt là sâu keo mùa thu có thể kháng nhiều loại thuốc trừ sâu khác nhau. Để phòng trừ sâu keo mùa thu hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công bố những bộ giống ngô có khả năng kháng loại sâu này, còn về thuốc trừ sâu, Bộ cũng đã tiến hành khảo nghiệm 4 loại hoạt chất và bước đầu cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con cần phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc bảo vệ thực vật, mục tiêu là tránh lạm dụng thuốc, không để gây ô nhiễm môi trường. Còn với những diện tích bị nhiễm nặng thì nên tiêu hủy để tránh lây lan.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu: “Chúng ta sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ nên khi xuống giống không tập trung, mỗi hộ xuống giống một ngày nên tạo ra liên tục lượng thức ăn hấp dẫn . Chúng ta phải khuyến cáo bà con đồng loạt xuống giống, đây là giải pháp giải quyết được rất nhiều. Khi thu hoạch rồi, những con sâu còn lưu trú lại ở đất ở tàn dư thực vật trên đồng ruộng…vì vậy việc xử lý đất như thế nào trước khi gieo trồng vụ mới cũng là giải pháp rất quan trọng”.

Riêng tỉnh Gia Lai ghi nhận sâu keo mùa thu bắt đầu xuất hiện từ tháng 4/2019, ngành nông nghiệp đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và kịp thời hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ trước mắt và tính toán xây dựng phương án phòng trừ loài sâu này một cách lâu dài.

Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Gia Lai cho biết: “Phải đánh giá lại rất kỹ thiệt hại này, ngoài ra phải tiến hành nếu đủ điều kiện theo đúng quy định thì sẽ tiến hành công bố dịch. Khi công bố dịch thì các địa phương được sử dụng ngân sách để hỗ trợ mua thuốc phòng chống dịch”.

Ngoài tập trung các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh cũng đề nghị cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu về khả năng gây hại của loài sâu này trên những loại cây trồng khác, vì đây là loại sâu đa thực, để chủ động có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt cho cây trồng.

Hồng Uyên, Xuân Huy


Lượt xem: 58

Trả lời