Tăng cường các biện pháp phòng ngừa rụng quả trên cây cà phê

Cập nhật 28/9/2018, 10:09:15

Nếu như ở phía Đông và Đông Nam của tỉnh, bệnh trắng lá mía và khảm lá trên cây mì đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng thì ở  khu vực phía Tây tình trạng rụng quả trên cây cà phê đang khiến nhiều nông dân rất lo lắng. Hiện tại cà phê đang trong giai đoạn phát triển hạt, tạo nhân, vào chắc, nếu không có các biện pháp phòng trừ kịp thời tình trạng rụng quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất vườn cây.

Gia đình anh Bức ở làng Đê Gơ, xã ĐăkJrăng, huyện Mang Yang trồng được 1 hecta cà phê đã bước sang năm thứ 5. Anh Bức cho biết, năm nay cà phê bị rụng quả nhiều hơn so với các năm trước, thậm chí nhiều cây còn bị chết khô. Theo kinh nghiệm, anh Bức đã phun thuốc, bón phân để hạn chế hiện tượng rụng quả, nhưng nhiều khả năng năng suất cũng giảm đáng kể.

Anh Bức nói: “Thường thường như các năm trước làm 1 hec ta thì được khoảng 2,5 tấn nhân còn năm chắc chỉ được 1,5 tấn. Năm nay do thời tiết mưa nhiều, rụng nhiều. Gia đình mua thuốc phun cho đỡ rụng, bón thêm phân để giữ trái. Nhưng thời tiết năm nay chắc là khó khăn, giá lại thấp nữa”.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có hơn 423 ha cà phê bị bệnh rụng quả, tập trung ở các huyện Mang Yang, Ia Grai. Qua kiểm tra, các nhà chuyên môn cho biết có 2 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng rụng quả, đó là do sâu bệnh hại và thiếu dinh dưỡng.

Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo bệnh có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới. Nếu thời tiết vẫn tiếp tục mưa và có nắng xen kẽ sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất cà phê.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Long – Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu Gia Lai  khuyến cáo: “Bà con cần cung cấp dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hàm lượng kali. Vì giai đoạn này kali quyết định đến độ chắc của nhân. Bên cạnh bổ sung dinh dưỡng qua gốc, bà con cần chú ý bổ sung dinh dưỡng qua lá để giảm hiện tượng rụng quả. Bên cạnh đó cần chú ý đến trung vi lượng. Ngoài ra, rụng quả do sâu bệnh hại. Hiện nay có hai loại sâu bệnh phổ biến, đó là rỉ sắt. Bà con nông dân có thể phun thuốc để phòng trong đầu mùa mưa. Còn đối với nấm hồng, bà con cắt những cành bị nấm hồng, khô cành, cắt mang ra khỏi vườn sau đó phun thuốc để phòng, kết hợp với bón phân”.

Giá thấp lại thêm tình trạng rụng quả…đó là những tín hiệu không mấy lạc quan về một niên vụ cà phê mới. Trong bối cảnh hiện nay, các khuyến cáo được đưa ra vẫn là tăng cường đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để giữ ổn định năng suất vườn cây, giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến thu nhập trong niên vụ mới.

Hồng Uyên, Duy Linh

 

 


Lượt xem: 99

Trả lời