Tai nạn giao thông-Nỗi đau để lại

Cập nhật 12/11/2014, 15:11:50

Theo số liệu thống kê, mỗi năm ở VN có khoảng hơn 10.000 người chết vì TNGT; và tai nạn giao thông đang là mối hiểm họa của toàn xã hội với biết bao nỗi đau để lại cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Thế nhưng, để ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn giao thông lại đang là vấn đề vô cùng nan giải

 

Chị Ngô Thị Vách tiếp khách trong ngôi nhà xây dang dở.

 

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà đang xây dang dở, chị Ngô Thị Vách ở làng Nam Cao, xã Tơ Tung, huyện Kbang tâm sự: Từ khi chồng mất vì TNGT, mọi việc trong nhà gần như đảo lộn. Số tiền 2 vợ chồng tích góp cả chục năm trời, cộng với vay vượn để sửa sang lại căn nhà cho tươm tất, nhưng nhà chưa xong thì anh đã ra đi. Nhà chỉ có hơn 1ha đất đồi với 2 sào ruộng nước, thu nhập chủ yếu từ đồng lương giáo viên của chồng nhưng nay chồng không còn, một nách nuôi 2 đứa con đang học phổ thông, cuộc sống gia đình khó khăn lại thêm chồng chất khó khăn.

 

Trong nghẹo ngào Chị Vách nói: “Trước mắt mẹ con tôi giờ chưa biết tính như thế nào; chỉ biết là hoàn thành nguyện vọng của anh ấy là sửa sang nhà cửa cho hoàn chỉnh; còn khoản nợ khổng lồ thì không biết tính như thế nào cả; đấy là tiền thì không nói, có thể là nợ mòn con lớn nhưng mà thằng con nhỏ nhà tôi hằng ngày nó tìm bố một cách vô tư lắm, nói chuyện nó đều nhắc đến bố, người làm mẹ như tôi đúng là như muối xát, đau lòng lắm”.

 

Cũng hoàn cảnh như chị Vách, bao nhiêu gánh nặng gia đình nay sẽ do một mình chị Nguyễn Thị Nghĩa ở thôn 4, xã Sơ Pai gánh vác khi không may chồng chị bị chết trong vụ TNGT khi đang trên đường đi rẫy về vào cuối tháng 5 vừa qua. 

 

Chị Nghĩa thổ lộ: “Chồng tôi mất thì quá đau đớn với mẹ con tôi và gia đình nội, ngoại. Còn để mà nuôi con sau này thì cũng chưa biết như thế nào. Bây giờ cũng chỉ có số cà phê vợ chồng gom góp mua được để thu hoạch, trước mắt là để trả nợ và sau này nuôi con ăn học chứ không biết trông chờ vào đâu”.

 

Mới đây, TAND huyện Kbang đã đưa ra xét xử và tuyên phạt Đinh Phách ở làng Tung, xã Đông, 4 năm tù giam do vi phạm quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 2 vợ chồng anh Trịnh Minh Lập và chị Nguyễn Thị Thảo, ở thị xã An Khê bị chết vào hồi đầu tháng 3/2014. Ngoài số tiền bồi thường thiệt hại, gia đình Đinh Phách còn phải chu cấp tiền để nuôi 2 đứa con nhỏ của gia đình anh Lập, chị Thảo đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Khoản tiền chu cấp mỗi tháng 1 triệu đồng có lẽ là quá lớn với một hộ nghèo như gia đình Đinh Phách, trong khi vợ đang mang bầu lại thêm đứa con hơn 2 tuổi, còn anh thì  đi cải tạo.

 

Chị Đinh Thị Klơi (vợ của Đinh Phách),làng Tung, xã Đông, huyện Kbang cho biết: “Hiện tại thì gia đình tôi rất khó khăn, chồng thì đi cải tạo giờ chỉ có 2 mẹ con; không có cái gì để kiếm sống, nhờ bên nội, ngoại hỗ trợ, giúp đỡ; còn khoản tiền chu cấp cho người bị hại thì khi nào chồng về rồi đi làm thuê để mà trả”.

 

Theo số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng, hàng năm, trên địa bàn huyện Kbang xảy ra khá nhiều vụ tai nạn và va chạm giao thông. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức chủ quan của chính người tham gia giao thông và tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Chính vì vậy, thiết nghĩ cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và trước những hậu quả, những nỗi đau do TNGT để lại, mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ; để bảo vệ cho tính mạng và tài sản của bản thân mình, và để TNGT không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội ./.  

Đức Hải (Đài TT-TH Kbang)


Lượt xem: 83

Trả lời