Sông Ba gây sạt lở đất nghiêm trọng – đe dọa tính mạng, tài sản nhân dân

Cập nhật 23/9/2013, 08:09:39

Từ ngàn xưa đến nay, sông Ba có vai trò rất quan trọng và mang lại lợi ích to lớn đối với cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân ở các địa phương phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai cũng như rất nhiều hộ dân ở các tỉnh, thành khác dọc theo dòng sông Ba chảy qua. Tuy nhiên, trong vài ba năm trở lại đây sông Ba có sự biến đổi khó lường, không như những gì nó vốn có. Vào mùa khô thì do thủy điện An Khê KaNak ngăn dòng tích nước, nhiều đoạn sông Ba phía hạ lưu trở thành “dòng sông chết”. Nhưng vào mùa mưa lũ, cùng với thủy điện An Khê KaNak xả lũ, sông Ba trở nên rất hung dữ, cuốn trôi đi nhiều nhà cửa, tài sản,hoa màu, uy hiếp đến tính mạng đối với nhiều hộ dân sinh sống dọc theo hai bên bờ dòng sông. 

Riêng tại địa bàn tỉnh Gia Lai, sông Ba chảy qua các địa phương gồm: huyện Kbang, thị xã An Khê, huyện IaPa, thị xã Ayunpa và huyện Krôngpa, sau đó chảy ra địa phận tỉnh Phú Yên. Vào mùa mưa lũ, nước dâng cao, sông Ba chảy xiết và biến đổi dòng đã làm sạt lở nhiều ha đất sản xuất, đất ở cùng với cuốn trôi nhiều tài sản trên đất và uy hiếp đến nhà cửa, tính mạng của hàng chục ngàn hộ dân sống dọc hai ven sông. Huyện Krôngpa là một trong những địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất do sông Ba gây ra. Như tại địa phận xã ChưRCăm, mỗi năm sông Ba xâm thực dần vào hai bên khoảng từ 3 đến 4m với tổng số hàng chục ha đất ở, đất sản xuất bị sạt lở và cuốn trôi, làm nhiều hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Đặc biệt, tại khu nhà mồ ở buôn HLang, xã ChưRCăm, mỗi năm sông Ba làm sạt lở một ít, nhất là mùa lũ năm 2011 sông Ba đã cuốn trôi đi nhiều ngôi mộ, trong đó có một số ngôi mộ mới chôn tại khu nhà mồ này trước sự bất lực của người dân địa phương.

 Anh Rơ Ô Thuyên- thôn phó buôn Hlang, xã ChưRCăm, huyện Krôngpa- Gia Lai nói: “Khu nhà mồ này có 30 hộ. Mỗi năm, nhất là năm 2011, nước sông Ba dâng cao làm sạt lở và cuốn trôi đi nhiều ngôi mộ ở đây, giờ chỉ còn lại vài ba ngôi mộ mới chôn cất thôi.. Bà con chỉ biết đứng nhìn và khóc, nhìn các ngôi mộ cuốn trôi đi chứ không biết làm gì khác vì nước chảy rất mạnh…”.

Thôn Quỳnh Ba nằm gần và ở phía dưới buôn HLang theo hướng chảy của sông Ba. Nhiều hộ dân ở đây luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu bởi sông Ba đã làm sạt lở đất đến sát mép nhà của họ. Đặc biệt, trận lũ kinh hoàng năm 2011 với những hậu quả rất lớn mà sông Ba “hung dữ” đã gây ra vẫn luôn là nỗi ám ảnh, khiếp sợ đối với người dân nơi đây.

Trong tâm trạng thấp thỏm lo âu chị Vũ Thị Phương- thôn Quỳnh Ba, xã Chư RCăm, huyện Krôngpa- Gia Lai cho biết: “Nhà tôi ở sát dòng sông này, gia đình sống trong sự lo âu, sợ dòng sông cuốn trôi nhà cửa. Trận lũ năm 2011, xác chết trôi đến tận đây, sợ lắm. Lúc đó may là có dân quân và người dân ở xung quanh đến giúp gia đình tôi dọn dẹp đồ đạc đến nơi khác chứ mẹ con tôi không biết làm gì cho kịp.                                                                    

Đặc biệt, trong nhiều ha đất sông Ba làm sạt lở và cuốn trôi thì có nhiều ha đất sản xuất chủ lực, làm nhiều hộ mất đất sản xuất. Và đất phía bên bồi của dòng sông là những bãi cát mênh mông, người dân không thể sản xuất được. Ông Bùi Hữu Vinh- phó Chủ tịch UBND xã Chưr Căm, huyện Krôngpa- Gia Lai cho biết: “Theo thống kê chưa đầy đủ thì mỗi năm có hàng chục ha đất ở xã bị sông Ba làm sạt lở và cuốn trôi. Nhưng biện pháp để khắc phục tình trạng này thì chưa có vì nguồn kinh phí không đủ để xây bờ kè ngăn chặn sự sạt lở được”.

Nhiều đoạn sông Ba đã có sự nén dòng và biến đổi dòng chảy rất lớn với chiều dài của những đoạn xung yếu và bị sạt lở rất lớn nên không thể xây hết bờ kè để ngăn chặn sự xâm thực, sạt lở được. Đối với huyện Krôngpa đã có phương án di dời các hộ sinh sống trong vùng sạt lở nhưng do kinh phí địa phương có hạn nên mức hỗ trợ cho các hộ được di dời ít, nhiều hộ được di dời nằm trong diện nghèo nên không có điều kiện để di dời nhà và làm nhà mới. Hơn nữa, hạ tầng ở những khu tái định cư mới cho các hộ được di dời đến chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên cho đến nay việc triển khai phương án di dời các hộ đến khu định cư mới gặp rất nhiều khó khăn và ách tắc. Nói về những khó khăn trong việc di dời các hộ dân ông Hà Văn Đường- Phó Chủ tịch UBND xã ChưGu- Kôngpa- Gia Lai cho biết: “Với mức hỗ trợ ít, nhiều hộ thuộc diện nghèo không có tiền để di dời được. Hơn nữa, phong tục của đồng bào thì làm nhà bằng gỗ nhưng gỗ thì không được khai thác. Nguyên nhân nữa là khu tái định cư mới thiếu nước sinh hoạt, thiếu điện nên nhiều hộ chưa di dời đến ở”.

Mỗi năm sông Ba đã làm sạt lở và cuốn trôi hàng chục ha đất ở, đất sản xuất cùng với nhiều tài sản trên đất và gây nguy hiểm đến nhà cửa, tính mạng của nhiều hộ dân sống dọc hai ven sông. Nhưng biện pháp nào để đối phó và ngăn chặn tình trạng trên cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo./.

Hà Đức-R’Piên


Lượt xem: 98

Trả lời