Sầu riêng sẽ chính thức được bổ sung vào danh mục xuất khẩu nông sản của tỉnh Gia Lai trong năm 2023

Cập nhật 01/2/2023, 17:02:55

Kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thông qua các Hiệp định thương mại đã được ký kết, qua đó mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là các mặt hàng nông sản. Gia Lai may mắn là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản nằm trong danh mục xuất khẩu chính của Việt Nam như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều và những năm gần đây là một số loại trái cây như dứa, chanh leo, chuối, bơ, xoài…Để tận dụng cơ hội về xuất khẩu, nhiều nông dân ở tỉnh Gia Lai cũng đang từng bước thay đổi thói quen canh tác nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn xuất khẩu. Riêng trong năm 2023 này ngoài những nông sản cũ, tỉnh Gia Lai dự kiến bổ sung sầu riêng vào danh mục xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thông qua nghị định thư được Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết và có hiệu lực từ tháng 7 năm 2022.

Để chuẩn bị cho việc sầu riêng được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch, bắt đầu từ vụ sầu riêng vừa rồi nhiều bà con nông dân đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn nhằm tạo ra những trái sầu riêng chất lượng nhất.

Đây là trang trại sầu riêng của ông Hoàng Văn Trọn ở xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ với tổng diện tích 100 ha. Toàn bộ trang trại sầu riêng của ông được canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP nhằm tạo ra những trái sầu riêng đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Dự kiến, vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023 sẽ có khoảng 10 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 200 tấn, trong đó phần lớn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Hoàng Văn Trọn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai nói: “Tiêu chuẩn để trái sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là trái phải tròn, đủ hộc, cơm phải ngon, phải đủ lượng đường, ít nhất phải đủ 30% độ đường. Quy trình sản xuất chủ yếu phân hữu cơ, ít phân hóa học. Về cơ hội giúp nông dân giải quyết kinh tế, nhưng đầu tư cái này phải có tâm huyết mới làm được”.

Theo như tính toán của bà con nông dân, 1 ha sầu riêng bình quân đạt 20 tấn, với giá bán tại vườn trung bình 50 ngàn đồng/kg, như vậy thu về được khoảng 1 tỷ đồng trong khi chi phí đầu tư chỉ mất tầm 50 triệu đồng. Sầu riêng vốn đã có giá trị kinh tế cao và nếu đạt chuẩn xuất khẩu thì cơ hội nâng tầm giá trị sầu riêng lại càng cao. Để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu người trồng phải tuân thủ đúng quy định của thị trường xuất khẩu cũng như các điều kiện kiểm dịch…Và nông dân Gia Lai đang nỗ lực để đạt các tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu.

Đồng hành cùng bà con nông dân trồng sầu riêng, hiện nay đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký thu mua sầu riêng xuất khẩu. Các địa phương cũng đã tích cực hỗ trợ các thủ tục về cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và một số điều kiện khác theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Huyện đang triển khai các dự án như cấp mã số vùng trồng. Hiện nay huyện đang triển khai các thủ tục, đăng ký cấp 9 mã số vùng trồng sầu riêng; trên cơ sở đó đăng ký cấp cơ sở đóng góp. Ngoài ra cần tiêu chuẩn nào về xuất khẩu thì huyện sẵn sàng hỗ trợ để chứng minh điều kiện nguồn gốc xuất xứ và các điều kiện cần thiết để đảm bảo quá trình xuất khẩu sang TQ”.

Tính đến nay, tỉnh Gia Lai phát triển được hơn 1 ngàn ha sầu riêng và được xem là cây chiến lược trong phát triển kinh tế của địa phương. Tuy đi sau so với nhiều địa phương khác và diện tích còn khiêm tốn nhưng với sự mở đường của Bộ Nông nghiệp & PTNT khát vọng đưa trái sầu riêng Việt Nam ra thế giới sẽ mang đến nhiều cơ hội để nâng tầm giá trị cho loại trái cây vua này. Và sầu riêng sẽ chính thức được bổ sung vào danh mục xuất khẩu nông sản của tỉnh Gia Lai trong năm 2023.

 Hồng Uyên, Ksor Tuối


Lượt xem: 6

Trả lời