Sàng lọc trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số

Cập nhật 21/5/2020, 16:05:31

Việc tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh là yếu tố quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi để những đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh. Tại Gia Lai, Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” đã được triển khai trong 10 năm qua và là một trong những đề án quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Tại Phòng khám sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các thai phụ đến khám đều được tư vấn kỹ và lưu ý mốc thời gian quan trọng để sàng lọc trước sinh. Việc khám sàng lọc trước sinh là vô cùng quan trọng để người mẹ có thể biết được thai nhi khỏe mạnh hay có vấn đề gì bất thường.

Chị Nguyễn Thu Hương, Thành phố Pleiku cho biết: “Tôi mang thai được 11 tuần bởi vì có tiền sử thai lưu nên khám thường xuyên. Bác sỹ tư vấn rất kỹ. Đối với bản thân tôi có tiền sử đó nên mình cẩn thận hơn, khám thường xuyên có điều gì nhỏ bất thường đều tới đây hết”.

Bác sỹ Bùi Sao Mai – Phòng Khám Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết: “Bà mẹ trước khi sinh nên khám sàng lọc kỹ càng để tầm soát dị tật. Khoảng từ 11-13 tuần làm độ mờ da gáy cho em bé tầm soát hội chứng down, hoặc lấy máu xét nghiệm tầm soát dị tật ở em bé. Bà mẹ bỏ qua giai đoạn này thì tầm khoảng 17 tuần có thể làm double test cho em bé.  Tại thời điểm này có thể siêu âm để coi được mặt mũi em bé, tay chân. Giai đoạn này khá quan trọng. Ngoài ra bây giờ mình có siêu âm 4D tầm 24 tuần có thể xem các góc cạnh của em bé, bà mẹ có thể nhìn được khuôn mặt của em bé như thế nào”.

Quá trình mang thai, nếu được khám sàng lọc sẽ phát hiện được những khuyết tật ở trẻ và xử lý kịp thời. Với những khuyết tật không khắc phục được, các bác sĩ sẽ có những tư vấn hữu ích cho các bà mẹ và gia đình. Còn kỹ thuật sàng lọc sơ sinh là biện pháp dự phòng hiện đại giúp phát hiện sớm các bệnh lý ngay trong những ngày đầu bé chào đời để có hướng điều trị kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh, giảm tỷ lệ chậm phát triển ở trẻ.

Bác sỹ Trần Thị Dự – Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Gia Lai cho biết: “Tỷ lệ những bà mẹ mang thai người đồng bào khám tiền sản rất thấp. Do vậy chúng tôi thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh sơ sinh do hậu quả liên quan đến vấn đề đó mà chúng ta có thể khám sàng lọc phát hiện sớm ví dụ  một vài bệnh lý tim bẩm sinh hoặc các bệnh lý dị tật đường tiêu hóa, teo thực quản, teo ruột non. Nếu phát hiện sớm em bé sẽ được có kế hoạch chăm sóc ngay từ lúc mới sinh ra ngay. Nếu chúng ta can thiệp sớm hơn thì khả năng cứu sống em bé sẽ cao hơn rất nhiều”.

Ông Lê Ngọc Lân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số -KHHGĐ tỉnh Gia Lai trao đổi: “Đối với công tác sàng lọc sơ sinh, theo chương trình mục tiêu hàng năm phân về khoảng 1.000 mẫu, trong đó Bệnh viện tỉnh và Bệnh viện Hoàng Anh 400 mẫu còn lại chia đều cho các huyện, thị xã, thành phố. Bước đầu triển khai hàng năm khoảng 1.500 ca. Trong quá trình triển khai phát hiện nghi  ngờ 2 bệnh thiếu men G6PD và thiểu năng giáp, đặc biệt trong năm 2019 nghi ngờ 2 ca tư vấn tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra. Tỷ lệ tham gia sàng lọc rất thấp bởi đây là chương trình áp dụng Thông tư 26 đối với đối tượng nghèo, người dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, chưa mở rộng đối với xã hội hóa về công tác này”.

Lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh là rất rõ ràng, nhưng hiện nay tỷ lệ bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được sàng lọc còn rất thấp. Việc khám định kỳ, sàng lọc trong từng giai đoạn phát triển của thai nhi cần được quan tâm để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, can thiệp kịp thời các bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội./.

Kim Châu, Lệ Xuân, R’Piên


Lượt xem: 187

Trả lời