Sản xuất trái cây sạch – Hướng đi mới của xã Sơn Lang

Cập nhật 24/1/2022, 10:01:36

Những năm gần đây, nhiều người dân ở xã Sơn Lang, huyện Kbang đã chú trọng việc sản xuất theo hướng hữu cơ, Viet Gap – từ đó tạo ra được các loại trái cây sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có giá bán cao hơn so với các sản phẩm được sản xuất theo phương thức truyền thống. Hướng đi này, đang ngày càng được các nhà vườn ở địa phương tiếp tục học tập và nhân rộng.

 

Nhờ được tiếp cận với một số tổ chức, cá nhân ở nhiều địa phương khác đang sản xuất trái cây theo hướng hữu cơ, cũng như sản xuất theo chuẩn VietGAP – đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà ông Trần Đình Hùng, ở thôn Hợp Thành (xã Sơn Lang, huyện Kbang) đã tìm được hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của gia đình. Nhất là  khi ông nhận thấy những điều kiện về đất đai, khí hậu ở địa phương phù hợp với việc phát triển mô hình sản xuất hữu cơ an toàn nên ông đã mạnh dạn trồng các loại cây ăn quả, như: cam, quýt, bưởi … theo mô hình này với diện tích trên 1,2 ha. Hiện trung bình mỗi cây quýt năm thứ năm của gia đình ông cho thu hoạch trên 20 kg quả một vụ, với giá bán từ 20 đến 40.000 đồng/kg.

Ông Trần Đình Hùng,  Thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang nói: “Mình phải đảm bảo nguồn đầu vào hoàn toàn là hữu cơ và không phải loại hữu cơ nào cũng sử dụng được mà phải nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Khó nhất là giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch; vì trong giai đoạn này cây đã nuôi trái trong một thời gian dài nên cây nó đã suy và kiệt quệ rồi; cũng trong lúc này sâu bệnh bắt đầu tấn công mạnh, mà làm hữu cơ thì phòng là chính, còn việc phun xịt thuốc trong lúc này là không; không dùng bất cứ hóa chất gì để phun nên việc giữ trái trên là rất khó”.

 Nhận thấy việc trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ mang đến nhiều lợi ích cho người nông dân, ông Nguyễn Duy Chuyển, ở thôn Thống Nhất (xã Sơn Lang, huyện Kbang) cũng đã chuyển đổi sang trồng hơn 1 ha cam.

Ông Nguyễn Duy Chuyển, Thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang  cho biết: “Để sản xuất theo mô hình này thì đầu tiên mình phải canh tác hợp lý và trân trọng những gì của thiên nhiên; như là mình phải để cỏ trong vườn tạo môi trường trong lành, tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển và sau đó sử dụng nhiều phân hữu cơ, không sử dụng phân hóa học và canh tác một cách hợp lý. Hiện tại giá bán lẻ mỗi kg cam Canh có giá từ 20.000 đến 25.000 đồng;, đồng thời đầu ra tôi đã liên kết được với một số khách hàng và cửa hàng đang ưu chuộng, có xu thế sử dụng các sản phẩm sạch  và an toàn hơn, một số chi nhánh ở thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu’’.

Hiện các loại sản phẩm được sản xuất theo hướng hữu cơ  của người dân trên địa bàn xã Sơn Lang luôn có giá bán cao hơn so với các sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng các hình thức khác. Để việc tiêu thụ sản phẩm được bền vững hơn, các nhà vườn đã liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kiến thức về tìm kiếm thị trường, nhất là thị trường cho sản phẩm hữu cơ nên việc tiêu thụ hiện cũng đang là vấn đề của các nhà vườn ở đây.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Lang, huyện Kbang thông tin:  “Hiện trên địa bàn xã có hơn 40 ha cam và cũng có  nhiều hộ dân sán xuất theo chuẩn VietGAP để mang nguồn cam sạch cung cấp ra thị trường; khó khăn lớn nhất hiện nay của bà con là do tình hình dịch bệnh Covid -19 nên nhiều sản phẩm làm ra đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng rất khó xuất đi. Do đó rất mong các cấp, cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện nhiều hơn nữa để nông dân sản xuất cam, trong đó có các sản phẩm cam sạch xuất đi được dễ dàng. Qua đó góp phần tăng thu nhập, hiệu quả sản xuất cho người dân’’.

Từ những mô hình tự phát ban đầu của người dân, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc định hướng, hỗ trợ để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân. Mục tiêu hướng đến là xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn trái, mang lại lợi nhuận cao cho người trồng.

Ông Lê Qúy Truyền, Chủ tịch UBND xã Sơn Lang, huyện Kbang nói: “Về phương hướng để giúp cho người dân tiêu thụ các sản phẩm tốt thì đầu tiên chúng tôi sẽ tập huấn các quy trình sản xuất nông sản sạch. Thứ hai là thành lập các tổ, nhóm để liên kết tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra cho bà con ’’ .

Với sự chủ động, sáng tạo của người dân cùng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, xã Sơn Lang nói riêng và huyện Kbang nói chung đang có dự định sớm tạo được thương hiệu cho các sản phẩm sản xuất theo hướng an toàn; cũng như giúp cho các sản phẩm này vươn xa ra các thị trường,  góp phần nâng cao thu nhập của người dân và thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển ./.

CTV Hữu Nở – Hồng Hạnh (Kbang)


Lượt xem: 27

Trả lời