Sản xuất nông nghiệp ở vùng đất khó Kông Chro

Cập nhật 13/1/2018, 10:01:17

Khí hậu khắc nghiệt, hạn hán xảy ra nhiều là những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân huyện Kông Chro nhiều năm trước kia. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, với việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều giống cây trồng mới đã được người dân huyện Kông Chro đưa vào canh tác sản xuất, cho thu nhập tương đối ổn định.  

Không còn độc canh cây lúa rẫy như trước đây gia đình từng làm, cũng không sản xuất theo phong trào với cây mía khi mà nhiều người dân ở xã ồ ạt trồng; gia đình chị Đinh Thị A Ninh ở làng Hle Hlang, xã Yang Trung, huyện Kông Chro bắt đầu thử nghiệm trồng cây đậu ván khoảng vài ba năm nay bên cạnh cây mỳ, với tổng diện tích 4,5 ha. Thời gian thu hoạch ngắn, kỹ thuật chăm sóc cũng không nhiều, và giá cả lại tương đối ổn định nên nguồn thu mỗi năm đạt khá.

Chị Ninh nói: “Hồi xưa thì làm cũng khổ, bây giờ làm theo kinh tế thì cũng đỡ hơn những năm trước. Mọi năm trồng bắp thì khoảng 100 triệu đồng, đậu ván năm ngoái thu được 50 triệu”.

Thời tiết khắc nghiệt, thế nhưng tận dụng nguồn nước ở các sông suối chảy qua địa bàn, nhiều diện tích đất canh tác đảm bảo được nguồn nước tưới đã được người dân chuyển sang trồng rau màu. Tuy nhiên một trong những khó khăn hiện nay của bà con nông dân đó là sản xuất vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, và người nông dân dường như vẫn phải “đánh bạc” với từng mùa vụ.

Ông Đinh Thanh Dũng – xã Yang Trung, huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Làm rau rồi làm su hào, cải bắp. Nói chung là cuộc sống cũng khá hơn những năm trước. Nếu mà được Nhà nước quan tâm hơn có động lực làm ăn; được hỗ trợ về kỹ thuật vốn liếng thì bà con có thể làm ăn đầy đủ hơn”.

Phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình mới với một số loại cây trồng mới như chanh dây và các loại cây ăn trái như: Cam, quýt, nhãn, mãng cầu và thanh long ruột đỏ cũng đã được người dân ở huyện Kông Chro triển khai trồng thử nghiệm và dần nhân rộng trên địa bàn; đặc biệt là trong đồng bào DTTS ở địa phương. Tìm hướng đi mới với những loại cây trồng mới đã và đang mang lại cơ hội thoát nghèo cũng như vươn lên làm giàu cho những người dân nơi vùng đất khó Kông Chro./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 206

Trả lời