Sản xuất ĐX 2017-2018 ở Chư Sê – Khó khăn nguồn nước tưới cuối vụ

Cập nhật 19/3/2018, 09:03:12

Chư Sê là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Gia Lai trong vụ Đông Xuân 2015-2016, và tiếp sau đó năm 2017, mặc dù nguồn nước có đảm bảo hơn nhưng Chư Sê cũng là địa phương phải đối mặt với nhiều khó khăn vì những diễn biến bất thường của thời tiết. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra, nhất là trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân; ngay từ đầu vụ sản xuất Đông Xuân 2017-2018, nhiều giải pháp đã được chính quyền địa phương cũng như ngành chuyên môn của huyện triển khai; tuy nhiên cũng không tránh khỏi những khó khăn về nguồn nước tưới cho cây trồng vào cuối vụ.

Cánh đồng làng Roh lớn (xã Al Bă, huyện Chư Sê)… Toàn bộ diện tích hơn 30 ha đều bị bỏ hoang trong vụ Đông Xuân 2017-2018 này vì không có nước tưới. Những vụ Đông Xuân trước, mặc dù khó khăn về nguồn nước nhưng bà con vẫn tranh thủ được “nước trời” nên còn sản xuất; tuy nhiên sau đợt hạn hán năm 2016, cánh đồng này không thể canh tác trong vụ Đông Xuân.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là những diện tích lúa nước sang các loại cây trồng cạn ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao là giải pháp mà phòng NN&PTNT cũng như các xã, thị trấn của huyện Chư Sê lựa chọn nhằm đảm bảo cho sản xuất của bà con, cũng như tiết giảm được nguồn nước tưới trong điều kiện khô hạn ngày càng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Công Dũng – Chủ tịch UBND xã Al Bă, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Trên địa bàn xã Al Bă thì vụ Đông Xuân có khoảng 100 ha bà con sản xuất lúa, nhưng thường thường thì hay bị hạn vào cuối vụ; thì dần dần dẫn đến năng suất, hiệu quả cây lúa không đảm bảo. Xuất phát từ thực tế đó thì xã có chủ trương chuyển đổi một số chân ruộng thường xuyên bị hạn sang trồng bắp. Thì năm vừa rồi, cụ thể là vụ Đông Xuân này xã đã chuyển đổi 01 ha làm mô hình để bà con trên địa bàn xã học tập. Cho đến thời điểm này thì diện tích bắp phát triển tốt và nếu mà cứ như đà này thì mức thu nhập sẽ đảm bảo cao hơn rất nhiều so với cây lúa”.

Ông Kpă Byang – làng Kla Nhân, xã Al Bă, huyện Chư Sê, Gia Lai nói: “ Mình làm thử, trồng thí điểm sau này nếu thu hoạch được thì bà con làm theo. Trước đây trồng lúa Đông Xuân thiếu nước nghiêm trọng và hiện tại đang thiếu như thế; còn bắp thì đỡ vì 1 tuần tưới 1 lần”.

Vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện Chư Sê gieo trồng hơn 1.937ha. Tập trung đẩy mạnh gieo trồng, ngay từ đầu vụ sản xuất, phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông Chư Sê-Chư Pưh lập kế hoạch điều tiết nước hợp lý để tiếp nước kịp thời từ hồ thủy lợi Ia Ring và Ia Glai phục vụ cho sản xuất; và cơ bản đến nay nguồn nước tại các hồ vẫn đảm bảo. Tuy nhiên với một số công trình thủy lợi đập dâng tại các xã Al Bă, Bar Măih và Bờ Ngoong thì đang trong tình trạng thiếu nước và có thể sẽ xảy ra khô hạn nếu không có mưa trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Thương – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Các công trình như suối Ia Lôp đã có hiện tượng khô hạn và đang đề xuất Xí nghiệp Thủy nông Chư Sê – Chư Pưh tiếp nước từ công trình hồ thủy lợi Ia Ring và Ia Glai. Trên các suối cạn thì đang có hiện tượng khô nước và thiếu nước, các diện tích cây công nghiệp sử dụng nguồn nước từ các công trình tự đào thì mạch nước ngầm đang xuống nên đang phải tưới chờ”.

Thời điểm này, phần lớn diện tích cây trồng vụ Đông Xuân 2017-2018 ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chư Sê; trong đó chủ yếu là lúa và các loại cây trồng ngắn ngày như bắp, đậu, bí đang sinh trưởng và phát triển tốt, nhất là những trà lúa gieo sớm đang ở giai đoạn làm đòng. Một mùa vụ đạt cả về năng suất và chất lượng cây trồng là điều mà bà con nông dân huyện Chư Sê đang hi vọng, thế nhưng với tình hình thời tiết đang khô hạn như hiện nay, vấn đề thiếu nước tưới vào cuối vụ cũng sẽ không loại trừ và đang là nỗi lo lắng của bà con nông dân hiện nay./.

  Mỹ Tiến, Đặng Trà

        


Lượt xem: 64

Trả lời