Sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Gia Lai: Khẳng định về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường

Cập nhật 20/6/2022, 10:06:21

Những năm gần đây, Gia Lai đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh sản xuất các sản phẩm hàng hóa có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Từ các chương trình được tỉnh triển khai như: Mỗi xã một sản phẩm, khuyến công, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm…nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn của Gia Lai đã dần hoàn thiện về chất lượng, mẫu mã và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh để đáp ứng được nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

Xác định để có được sản phẩm tốt cần phải xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững,  từ nhiều năm nay, Công ty TNHH Cà phê BaKa, xã Ia Sao, huyện Ia Grai đã chú trọng thực hiện liên kết sản xuất với người dân trên địa bàn. Với chuỗi liên kết được doanh nghiệp xây dựng, nông dân được hỗ trợ giống, phân bón, khoa học kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Cũng nhờ vào quy trình liên kết chặt chẽ này, doanh nghiệp đã có thể đưa các quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic, 4C, UTZ vào áp dụng, tạo nền tảng để hình thành nên các sản phẩm chế biến đạt chất lượng, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn thị trường đòi hỏi.

Song song với đó, doanh nghiệp cũng đã quan tâm đầu tư máy móc chế biến theo quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn. Nhờ đó, sản phẩm cà phê chế biến của doanh nghiệp ngày càng được khẳng định vị trí, thương hiệu trên thị trường. Trong năm 2022, bộ 2 sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu Yellow Bourbon của doanh nghiệp đã được đề xuất bình chọn là 1 trong 31 sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh.

Ông Phan Bá Kiên – Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Ba Ka cho biết: “Quá trình tạo nên một sản phẩm chất lượng cũng đòi hỏi rất nhiều yêu cầu từ máy móc, hỗ trợ cho bà con nông dân để canh tác, tránh sử dụng quá nhiều chất bảo vệ thực vật, quá nhiều phân hóa học. Bên công ty cũng trang bị nhiều loại máy  để tăng chất lượng sản phẩm quả cà phê, lấy được những quả ngon đáp ứng nhu cầu cà phê chất lượng cao”.

Các vùng nông thôn của Gia Lai, nhất là các vùng đồng bào DTTS đang có lợi thế rất lớn để phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Thời gian gần đây, từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều HTX, hộ kinh doanh tại các địa phương đã nhận thấy được tiềm năng phát triển của những sản phẩm này nên đã có sự đầu tư về máy móc, trang thiết bị và tiến hành liên kết với người dân để sản xuất các sản phẩm đưa ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng.

Sản phẩm hoa đu đủ đực sấy của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện, xã Đê Ar, huyện Mang Yang là một trong những sản phẩm được phát triển từ nguồn nguyên liệu lợi thế của địa phương đang bước đầu thành công trên thị trường. Với sự đầu tư nghiêm túc cho chất lượng, mẫu mã, kết hợp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, hiện sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2022.

Ông Lê Sỹ Diện, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện, xã Đê Ar, huyện Mang Yang cho biết: “Sản phẩm làm được 3 năm rồi, rất được ưa chuộng, hàng là hàng dân dụng, không sử dụng hóa chất, không có chất bảo quản gì hết, làm theo phương thức thủ công, sản xuất theo hướng dược liệu nên người Việt rất ưa chuộng mặt hàng này, mình cũng ship hàng đi cả nước, sản phẩm bán quanh năm”.

Với sự mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm mang tính lợi thế từ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, năm 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chọn được 40 sản phẩm tham bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Trong đó, 31 sản phẩm đã được Ban Giám khảo chương trình lựa chọn để đề nghị Hội đồng bình chọn tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận. Với sự ghi nhận này đã mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh trong thời gian đến.

Ông Nguyễn Duy Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết: “Các sản phẩm này nếu mà đạt được sản phẩm CNNT cấp tỉnh, cao hơn là cấp khu vực, cấp quốc gia thì cũng là niềm tự hào của doanh nghiệp, khẳng định được uy tín, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Đối với các doanh nghiệp với tinh thần như thế này sẽ liên tục cải thiện về mẫu mã, chất lượng, ngày càng tạo ra những sản phẩm ngày càng tốt hơn”.

Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn triển khai nên Gia Lai ngày càng có thêm nhiều sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn. Từ đó, làm phong phú thêm thị trường tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xa hơn là xuất khẩu. Với hướng đi này, bên cạnh việc mang lại được giá trị, lợi nhuận cao hơn cho người nông dân, HTX, doanh nghiệp thì người tiêu dùng cũng có thêm nhiều lựa chọn hơn.

 Ngọc Hà, R’ Piên, Duy Linh


Lượt xem: 13

Trả lời