Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Dầu khí (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Cập nhật 14/11/2022, 11:11:18

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng nay (14/11), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Dầu khí (sửa đổi) và thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 Chương, 118 Điều là Dự thảo Luật được xây dựng nghiêm túc, cầu thị, xác đáng, kỹ lưỡng; tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan. Điểm nổi bật của Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) là việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị ngành dọc thuộc Tổng cục ở địa phương để có cơ sở sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra chuyên ngành theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Quá trình xem xét, cho ý kiến về dự án Luật, các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan đều cơ bản nhất trí hướng đổi mới này. Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp sáng nay, Luật Thanh tra (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao với 459 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 92,17%.

Về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 Chương, 69 Điều, qua kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp đã có 472 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 94,78%. Như vậy Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Luật được thông qua với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây được đánh giá là một đạo luật rất quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác. Đồng thời, cũng là luật có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội tới tất cả các tổ chức và từ người dân. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ, dự kiến phải 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng với tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tại phiên họp này, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

BT Ngọc Hà – Trần Thi


Lượt xem: 5

Trả lời