Quan tâm, nâng tầm thương hiệu “Gạo Ba Chăm”

Cập nhật 19/9/2022, 07:09:19

Ba Chăm là giống lúa đặc sản có từ rất lâu đời ở một số vùng đồng bào dân tộc Bahnar trên địa bàn huyện Mang Yang. Với sự nỗ lực của huyện Mang Yang cùng sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng thành công thương hiệu Gạo Ba Chămvà hoàn thành bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho sản phẩm, từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển loại gạo này. Hiện nay, huyện Mang Yang đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị của Gạo Ba Chăm.

Xã Đak Trôi có diện tích lúa Ba Chăm lớn nhất huyện Mang Yang. Vì vậy, giống lúa này được gắn liền với địa danh Đak Trôi. Toàn xã có khoảng 360 ha lúa, phần lớn là giống lúa Ba Chăm được người dân trồng chủ yếu trên những thửa ruộng bậc thang. Giống lúa địa phương này có thân to, cao, sức đề kháng tốt, được đồng bào Bahnar chọn lọc, vì vậy, gạo Ba Chăm có hàm lượng dinh dưỡng cao, dẻo cơm và mùi thơm nhẹ.

Ông Myếck – Làng Tơ Bla, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang cho biết: “Lúa địa phương mình, mình làm bắt đầu từ tháng 2. Tháng 4, 5,6  mình cho nước vào ruộng, có cỏ mình làm cho sạch sẽ cho lúa tốt đẹp. Mình cắt theo hợp tác xã, bán ngoài quán rẻ một tí, hợp tác xã mua hơn khoảng 7 ngàn rưỡi đến 8 ngàn, dân cũng mừng.”

Xác định nông dân là người trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm có lợi thế  cạnh tranh, chính quyền địa phương đã huy động hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ vậy các chương trình, dự án đã được triển khai thực hiện như hỗ trợ phân bón để cải tạo đất, đảm bảo nước cho cây lúa sinh trưởng, phát triển và áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất. Nếu như trước đây, 1 ha năng suất tầm 2,6 tấn vì trồng trên đất dốc, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, nay những diện tích có thể tận dụng làm cánh đồng ruộng bậc thang giữ nước, năng suất lúa Ba Chăm đã tăng lên, bình quân  3,2 tấn/ha.

Ông Đinh Planh – Phó Chủ tịch UBND xã Đak Trôi, huyện Mang Yang cho biết: “Trong thời gian tới, người dân rất là mong muốn có chủ trương mới, chương trình hay đến với người dân, thứ nhất là hỗ trợ phân bón để người dân đầu tư cho cây lúa có năng suất cao hơn. Chúng tôi cũng quan tâm, mong muốn người dân giữ được giống lúa Ba Chăm và mở rộng thêm diện tích, chỗ nào làm được và khai thác để người dân mở rộng thêm.”

Để đồng hành cùng người dân trong sản xuất, phát triển thương hiệu Gạo Ba Chăm, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Gạo Ba Chăm. Nhờ đó, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, sản phẩm được đảm bảo tiêu thụ, tăng thu nhập. Đồng thời, đảm bảo vùng nguyên liệu lúa Ba Chăm ổn định về sản lượng, chất lượng và xây dựng thương hiệu Gạo Ba Chăm Mang Yang. Hiện nay, sản phẩm Gạo Ba Chăm không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn có mặt tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Lân, Giám đốc Hợp tác xã Nông – Lâm nghiệp và Dịch vụ Đak Trôi, huyện Mang Yang cho biết: “ “Hợp tác xã liên kết với bà con hơn 100 ha tại cánh đồng thung lũng xã Đak Trôi, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định để phát triển và sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của bà con. Hợp tác xã sẽ bao tiêu sản phẩm, thu mua các giống Ba Chăm trên địa bàn, cùng với đó, hợp tác xã hỗ trợ về phân vi sinh, kỹ thuật chăm sóc, thường xuyên xuống cánh đồng, có sâu bệnh hướng dẫn bà con.”

Từ những chương trình đã thực hiện, cùng với địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các đề tài, dự án KH-CN cấp tỉnh, cấp quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề như: giống lúa Ba Chăm, quy trình sản xuất, bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương chứng nhận VietGAP cho sản phẩm Gạo Ba Chăm được mang chỉ dẫn địa lý; xây dựng các phương tiện nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho sản phẩm Gạo Ba Chăm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thúy Diện, R’Piên


Lượt xem: 19

Trả lời