Quan tâm hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 08/9/2022, 07:09:24

Thời gian qua, cùng với việc vận động tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, Gia Lai đã quan tâm, tăng cường hỗ trợ sinh kế cho bà con để vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, trên địa bàn đã có nhiều mô hình phát huy tính hiệu quả, giúp người dân ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Phóng sự được thực hiện tại xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, Gia Lai.

Sinh ra trong một gia đình có đến 05 chị em, hơn ai hết chị Siu H’Liêu hiểu nỗi vất vả của việc sinh con đông, không có vốn để làm ăn, phát triển kinh tế. Do vậy, sau vài năm lập gia đình, được cho ra ở riêng, chị Siu H’Liêu đã mạnh dạn cũng với các chị em trong làng tham gia chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Cuối năm 2019, gia đình chị là 01 trong 05 hộ được Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã hỗ trợ bò để thoát nghèo, mỗi hộ 01 con bò mẹ trị giá 10 triệu đồng. Đó không chỉ là niềm vui riêng của gia đình chị, mà còn là sự phấn khởi chung của chính quyền xã khi mô hình sinh kế trao đi đã phát huy hiệu quả.

Chị Siu H’Liêu – Làng Bê-tel, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Gia đình rất cảm ơn Mặt trận xã đã quan tâm hỗ trợ bò cho nhà mình, giờ nó đẻ được 03 con thì cũng rất mừng. Mình sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt , để có tiền, thoát nghèo, nuôi con ăn học”.

Không riêng mô hình trao tặng bò, Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Ia Rong còn chọn dê để xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân. Bởi dê là loại dễ nuôi, người dân có thể tận dụng nguồn thức ăn xung quanh, nguồn vốn hỗ trợ ban đầu không quá cao, thời gian sinh sản ngắn… Năm ngoái, xã đã hỗ trợ 04 hộ, mỗi hộ 01 cặp dê giống, đến nay cả 07 hộ đều đã phát triển đàn dê lên 5-7 con.

Ông Ksor Nơk – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Thời gian qua, bên cạnh việc vận động tuyên truyền thay đổi, nếp nghĩ cách làm thì Mặt trận xã đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ vốn thông qua các mô hình. Thì đến nay việc hỗ trợ bò và dê là có hiệu quả nhất. Do đó, xã đang trình xin chủ trương của huyện tiếp tục nhân rộng mô hình hỗ trợ cho các hộ dân để từ đó có hướng thoát nghèo bền vững”.

Có thể thấy, bằng việc chọn những cây con giống phù hợp với tập tính sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất của người dân địa phương, mô hình hỗ trợ sinh kế dê và bò của xã Ia Rong đã và đang phát huy tính hiệu quả. Từ chỗ nhìn thấy các hộ được hỗ trợ nuôi dê và bò hiệu quả, nhiều hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng đã học tập, chủ động chăn nuôi theo. Đó là tín hiệu đáng mừng trong việc “thay đổi, nếp nghĩ cách làm”, giúp bà con thay đổi tư duy, không còn ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước mà chịu khó học tập lẫn nhau để từng bước giúp nhau vươn lên thoát nghèo./.

 Trương Trang, Minh Trung


Lượt xem: 21

Trả lời