Quá trình chuẩn bị thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Cập nhật 02/9/2021, 07:09:06

Ngày 2/9/1945 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam và thế giới như một mốc son chói lọi. Theo đó, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. 76 năm đã trôi qua, Việt Nam ngày càng vững vàng trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò của một Việt Nam độc lập, tự chủ; một Việt Nam có vị thế quan trọng trong khu vực cũng như trên trường quốc tế; ý nghĩa và giá trị lịch sử của Bản Tuyên ngôn độc lập vẫn mãi trường tồn. Nhân kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2021), mời quý vị và các bạn cùng ngược dòng thời gian để nhìn lại quá trình chuẩn bị thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua phóng sự tư liệu sau đây.

 

Bàn về thời điểm Bác viết Tuyên ngôn độc lập, Đại sứ-Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Dương Huân – nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao cho biết: ngày 13/8/1945, khi được tin phát xít Nhật sẽ đầu hàng đồng minh, Đảng ta đã gấp rút thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ra Quân lệnh số 1.

Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập để quyết định Tổng khởi nghĩa.

Ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, định Quốc kỳ, Quốc ca. Trong những ngày khẩn trương này, mặc dù đang ốm nặng tại lán Nà Lừa (Tuyên Quang) nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giành chính quyền mau chóng trên phạm vi cả nước. Lãnh tụ Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Bây giờ thời cơ cách mạng đang tới, dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập.

Ngày 19/8/1945, tổng khởi nghĩa nổ ra, giành thắng lợi nhanh chóng tại Hà Nội. Tiếp đó là Huế (23/8/1945) và Sài Gòn (25/8/1945) cùng các địa phương khác giành chính quyền về tay nhân dân.

Tối 25/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh về đến Hà Nội, tạm thời ở tại số nhà 48 phố Hàng Ngang. Người cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định gấp rút chuẩn bị để tổ chức Lễ tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945. Công việc quan trọng nhất là khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập do Người trực tiếp đảm nhiệm. Chỉ trong vòng 4 ngày (từ ngày 26 đến 29/8/1945), cùng với bộn bề công việc sau Tổng khởi nghĩa, Người đã hoàn thành dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Đây là bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba của Việt Nam sau bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” được Lý Thường Kiệt đọc năm 1077; “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi năm 1428.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là thành quả cách mạng hoàn toàn xứng đáng sau cả một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập.

Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 đã tạo thêm động lực to lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã rút ra một bài học sâu sắc từ cách mạng Việt Nam: trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc nhược tiểu nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, có đường lối đấu tranh đúng, biết tạo thời cơ, chớp thời cơ khởi nghĩa thì hoàn toàn có thể đứng lên tự giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân, xây dựng chế độ mới, xóa bỏ mọi áp bức, bất công.

Phát huy bản chất và những giá trị của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Đó cũng chính là “phương cách” tốt nhất để vươn đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc./.

Thiên Thanh (BT từ các bài viết trên TTXVN)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Lượt xem: 59

Trả lời