Phú Thiện- xây nhà chính sách xong không có tiền trả nợ.

Cập nhật 05/3/2014, 14:03:23

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 22 về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Đây được coi là một việc làm thiết thực, một chính sách góp phần trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình có công ổn định cuộc sống và an sinh. Thực hiện quyết định này nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành chương trình đúng kế hoạch, tuy nhiên, những khó khăn do kinh phí TW chuyển về chậm đang là ghánh nặng cho mỗi địa phương cũng như người dân trực tiếp hưởng lợi. Bài phản ánh được thực hiện tại huyện Phú Thiện.

 

 

Ông Mai Văn Canh (áo đỏ) trao đổi với phóng viên.

 

Ông Mai Văn Canh thuộc đối tượng gia đình có công  được hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở năm 2013 tại huyện Phú Thiện. Với hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bản thân gặp trọng bệnh, nhiều năm nay, dù cố gắng hết mình, ông cũng không thể kiên cố được ngôi nhà cũ kĩ, đã xuống cấp nhiều năm nay. Niềm vui bất ngờ khi ông được nhận hỗ trợ sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính Phủ.

 

Trao đổi với chúng tôi ông Canh tâm sự: Tôi là bộ đội tham gia đánh Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên và bị nhiễm chất độc da cam nên sức khỏe bị giảm sút nhiều. Hai vợ chồng không có điều kiện kinh tế gì nhiều, hay đau bệnh nên từ khi ở đây đến nay đã mấy chục năm mà vẫn chưa có tiền để sữa chữa hay xây mới lại nhà cho nó tươm tất. Vừa rồi, Nhà nước có hỗ trợ cho gia đình 20 triệu để sửa chữa lại căn nhà, thực sự là niềm vui lúc cuối đời…

 

Ngoài gia đình ông Canh, trong năm 2013 và đầu năm 2014, Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Phú Thiện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 34 hộ gia đình chính sách khác đang gặp khó khăn về nhà ở. Trong đó, mức hỗ trợ cụ thể là 40 triệu đồng đối với nhà xây mới và 20 triệu đối với nhà sữa chữa. Tuy nhiên, hiện nay nhà đã xây và sửa chữa xong, đưa vào sử dụng nhưng nguồn vốn cấp về cho địa phương vẫn còn nhỏ giọt.

 

Trao đổi về vấn đề này Ông Ninh Văn Tý, cán bộ chính sách thị trấn Phú Thiện cho biết: Tôi đứng ra đi mượn vật liệu cho dân, phải xây xong trước tết, giờ họ cứ theo tôi đòi nợ, không biết ăn nói sao cả. người dân thì không có tiền, không biết phải làm sao…

 

Ông Đinh Văn Chinh, chủ tịch UBND xã Iasol, huyện Phú Thiện cho biết thêm: Chúng tôi phải đứng ra bảo lãnh vay nợ vật liệu xây dựng nhưng mấy tháng nay rồi, người ta đòi nợ người dân lại đòi chúng tôi, thành ra giống như chúng tôi ăn bớt tiền chính sách…

 

Cuối năm 2013, đối với mỗi căn nhà xây mới, nguồn vốn cấp về chỉ mới được có 15 triệu, đối với nhà sửa chữa là 8 triệu đồng. Số tiền còn lại các địa phương đã đứng ra bảo lãnh mua nợ vật liệu xây dựng, khi được cấp đủ thì trả lại để các công trình kịp tiến độ. Tuy nhiên do số nợ lớn, kéo dài, nhiều doanh nghiệp không ngừng đòi nợ mà các địa phương không có tiền chi trả. Đa số gia đình người có công nhận được hỗ trợ về nhà ở đều thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, ít có khả năng tự trả nợ. Vì thế, việc nợ tiền chi phí xây dựng đang trở thành ghánh nặng cho mỗi gia đình và các địa phương.

 

Ông Hoàng Văn Hùng, phó phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Thiện khẳng định: Đây là một chính sách kịp thời và rất đúng đắn.Vì hầu hết những gia đình được hỗ trợ đều khó khăn, nghèo khổ. chúng tôi cũng đã văn bản xin tỉnh cho phương án dùng ngân sách địa phương để trả nợ nhưng không được, bây giờ chỉ biết đợi thôi, và giải thích cho nhân dân những khó khăn này…

 

Có thể thấy, chính sách mới của Chính phủ về hỗ trợ người có công về nhà ở là một chính sách mang đậm tính nhân văn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tuy nhiên, nếu được thực hiện một cách đồng bộ, và kịp thời hơn, có lẽ niềm vui của các gia đình trong những ngôi nhà mới sẽ thêm phần trọn vẹn và ý nghĩa./.

Minh Lý-Viễn Khánh


Lượt xem: 55

Trả lời