Phú Thiện – Nông dân gặp khó khăn khi khoai lang Nhật không có người mua

Cập nhật 06/6/2018, 14:06:38

Nếu như ở đầu vụ cây khoai lang Nhật đã đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân ở huyện Phú Thiện thì nay lại rớt giá mà còn không có người thu mua. Hàng chục ha khoai đã đến kỳ thu hoạch nhưng đành bỏ vậy trên đồng khiến nhiều bà con nông dân gặp khó khăn khi mà bỏ thì xót mà vương thì lỗ.

Vụ Đông Xuân 2017 – 2018, gia đình ông Bùi Văn Duẩn (thôn Ia Peng, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) trồng hơn 1 ha khoai lang Nhật song mới chỉ thu được 4 sào. Diện tích còn lại dù đã quá kỳ thu hoạch hơn 1 tháng nhưng không có người mua. Theo tính toán của ông Duẩn, với giá thu mua như hiện nay là 3.000 đồng/kg thì nếu có bán được cũng chỉ đủ tiền đầu tư.

Ông Duẩn cho biết: “Bây giờ gia đình muốn bán để gỡ lại tiền giống, phân bón thôi còn nếu tính chi tiết khi thu thì nếu như mà dỡ 1 sào khoai mà thuê công nữa là một sào đạt 2 tấn thì cũng huề vốn thôi; gia đình thu vụ này có khả năng là lỗ vốn luôn vì mỗi sào đầu tư mất 5 triệu mà giờ thương lái không mua; thời tiết nắng mưa thế này thì vài ngày nữa mà không bán được thì bị hà, sung hết cũng đành bỏ”.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện, trong vụ Đông Xuân vừa qua, bà con nông dân trồng khoảng 600 ha khoai lang Nhật. Đầu vụ với giá thu mua từ 11 đến 13.000 đồng/kg đã đem về nguồn thu nhập cao với bình quân khoảng 150 triệu đồng/ha sau khi đã trừ chi phí. Do thấy lợi nhuận cao nên một số hộ đã trồng trái vụ nên đến nay còn khoảng 50 ha chưa thu hoạch được. Được biết, hiện nay, ở các tỉnh như: Lâm Đồng, Đak Nông, cây khoai lang Nhật đang bước vào chính vụ và các thương lái tập trung thu mua chủ yếu ở các địa phương này. Mặt khác, việc trồng cây khoai lang Nhật ở huyện Phú Thiện là do người dân tự phát, chạy theo thị trường nên dù hiện nay giá đã tụt xuống thấp nhưng vẫn không có người thu mua.

Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện cũng cho biết: “Đối với cây khoai lang thì đầu ra cho sản phẩm là thiếu bền vững và ổn định; người nông dân hầu như không có việc cam kết, ký kết hợp đồng với các công ty, các nhà đầu tư cam kết thu mua dẫn đến giá cả lên xuống theo giá thị trường nên cũng rất khó khăn cho bà con nông dân”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện nói: “Đầu ra của cây khoai lang chủ yếu là phụ thuộc vào các nhà máy ở các tỉnh Lâm Đồng, Đak Nông nên là chúng tôi đã liên hệ với các tỉnh để nắm tình hình và giá cả để từ đó khuyến cáo bà con nông dân nên thực hiện cung ứng sản phẩm của mình thông qua hợp đồng nếu không có hợp đồng thì không nên mở rộng diện tích để chúng ta có đầu ra cho đảm bảo”.

Trong vài năm trở lại đây, bà con nông dân huyện Phú Thiện đã chuyển đổi từ các loại cây trồng khác sang cây khoai lang Nhật khá nhiều song chủ yếu mang tính tự phát, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm chính vì thế mà nhiều hộ đã rơi vào cảnh như hiện nay. Qua đây lại đặt ra bài toán cho các địa phương trong việc định hướng, bao tiêu sản phẩm giúp người nông dân lựa chọn cây trồng để phát triển kinh tế một cách bền vững./.

 Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 155

Trả lời