Phú Thiện nhiều khó khăn trong việc xử lý bệnh khảm lá vi rút trên cây mỳ

Cập nhật 22/10/2018, 08:10:37

Cùng với các địa phương khác trong tỉnh thì bệnh khảm lá vi rút trên cây mỳ đã làm thiệt hại lớn và ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Phú Thiện. Song ngành chuyên môn và chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý loại bệnh này vì không có thuốc đặc trị.

Trong khi những đám mỳ xung quanh vẫn phát triển bình thường thì hơn 1,4 ha mỳ của gia đình ông Phạm Văn Trường (thôn Bản Lê, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) đều bị soăn lá. Ông Trường cho biết: Do vụ trước thu mía muộn nên đến cuối tháng 3 gia đình mới cày ải đất để trồng mỳ. Cũng do trồng muộn nên hom mỳ ở địa phương hết đành phải mua của các thương lái bán dạo từ tỉnh Tây Ninh lên. Dù đã tìm mua các loại thuốc để phun với hy vọng vớt vát được phần nào nhưng không có tác dụng. Vậy là hơn 10 triệu đồng gia đình ông Trường đầu tư coi như mất trắng vì đã tháng thứ 6 nhưng củ mỳ mới chỉ to hơn ngón tay; mà nếu có thu hoạch cũng chưa chắc đã đủ tiền công.

Ông Phạm Văn Trường, Thôn Bản Lê, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện nói: “Khi phát hiện lúc đầu cây mỳ bị thì gia đình cũng nhổ đi đưa ra các tiệm thuốc vật tư nông nghiệp nhưng họ bảo không có thuốc chữa vì nhiễm vi rút rồi. Gia đình cũng cố chăm sóc xem có gỡ được phần nào đỡ cho gia đình được tý đấy”.

Đây là lần đầu tiên bệnh khảm lá vi rút xuất hiện trên cây mỳ ở huyện Phú Thiện nên ngành chuyên môn cũng như các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc phòng trừ. Chính vì thế mà diện tích lây lan rất nhanh.

Ông Nay Sớt, Công chức Địa chính – Nông nghiệp xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện cho biết: “Khi người dân báo lên UBND xã về bệnh khảm lá mỳ thì chúng tôi đã phối hợp với ngành chuyên môn lấy mẫu đi phân tích nhưng sau đó bệnh lây rất nhanh từ 5 ha ban đầu nay đã có 30 ha bị nhiễm”.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Phú Thiện đã có gần 70 ha mỳ bị bệnh khảm lá vi rút và chỉ xảy ra ở 3 xã là: Chrôh Pơnan, Ia Hiao và Ia Peng. Trong đó, diện tích bị thiệt hại trên 70% là hơn 15 ha; thiệt hại từ 30 đến 70% là 35 ha; còn lại gần 20 ha bị thiệt hại dưới 30%. Do không có thuốc đặc trị nên giải pháp đặt ra hiện nay của huyện Phú Thiện là tiến hành phá bỏ những diện tích bị bệnh để tránh lây lan.

Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện cho biết: “Đối với bệnh khảm lá vi rút trên cây mỳ thì bước đầu qua tìm hiểu và phối hợp với  ngành chuyên môn của tỉnh thì nguyên nhân chính xuất phát là do nguồn giống do bà con nhập trôi nổi ở các tỉnh, như là ở Tây Ninh đưa về trên địa bàn huyện. Xác định bệnh này hiện tại chưa có thuốc đặc trị nên thời gian qua chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện để có biện pháp tuyên truyền cho các xã, thị trấn trước mắt là khoanh vùng bệnh và hướng dẫn cho bà con về quy trình chung để tiến hành tiêu hủy không để lây lan ra diện rộng và cho những năm tiếp theo”.

Hiện nay, huyện Phú Thiện đã tiến hành thống kê diện tích cụ thể đối với các diện tích mỳ bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút và chỉ đạo các địa phương hỗ trợ kinh phí cho người dân tiêu hủy để xử lý bệnh chuẩn bị cho sản xuất vụ sau.

Qua việc xuất hiện bệnh khảm lá vi rút trên cây mỳ lại đặt ra vấn đề về quản lý chất lượng nguồn giống trôi nổi trên thị trường để tránh gây thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân./.

Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 49

Trả lời