Phụ nữ Gia Lai giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Cập nhật 26/2/2023, 14:02:44

Đối với người Tây Nguyên, đàn ông, con trai thì phải biết đan lát, săn bắt, đánh cồng chiêng; đàn bà, con gái phải biết dệt vải, múa xoang, nội trợ. Trước dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nghề dệt thổ cẩm ít nhiều đang dần bị mai một. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thành lập đã góp phần bảo tồn, trao truyền tinh hoa nghề truyền thống.

Mặc dù mới được ra mắt vào tháng 7 năm 2022 nhưng các chị em trong CLB dệt thổ cẩm tại làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku đã có trên 10 năm cùng nhau hoạt động và dệt nên những sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Vào những dịp cuối tuần, hay tranh thủ lúc nông nhàn, các thành viên của CLB dệt thổ cẩm làng Phung chia sẻ những kinh nghiệm về nghề dệt, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Bên cạnh đó, việc thành lập CLB dệt cũng như xây dựng phòng trưng bày các sản phẩm nghề truyền thống sẽ góp phần khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng tại địa phương.

Nghệ nhân Pel –  Làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku cho biết: “Mình phải dệt nhiều hoa văn, hay dệt lên sản phẩm đủ loại luôn, túi, bộ đồ, quần áo, ví hoặc móc khóa các sản phẩm khác như khăn trải bàn, khăn quàng cổ. Khách đến yêu cầu thì làm thế nào đó, để chị em giữ được các nghề của mình để sau lớp trẻ biết đến”.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, mẹ truyền con nối nên từ xưa, hầu hết con gái ai ai cũng biết dệt. Ngày nay, công nghệ thông tin bùng nổ, internet đã đưa cả thế giới vào trong tầm tay mỗi bạn trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó thì nguy cơ cái mới lẫn át cái cũ, những giá trị hiện đại lấn át giá trị truyền thống là điều cũng khó tránh khỏi. Thế nhưng cũng thật đáng mừng là trong quá trình hoà nhập đó, vẫn còn những người bạn trẻ vẫn đam mê, nỗ lực giữ gìn nét đẹp của nghề dệt truyền thống.

Nghệ nhân Han – Làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku chia sẻ: “Mới đầu mình học nghề dệt từ mẹ thì thấy cũng rất là khó khăn. Lúc đầu thì thấy cũng chưa thực sự yêu nghề lắm. Thấy mẹ làm rồi mình cứ nhìn nhìn, xong rồi mẹ dạy từng ly từng tí . Lúc đầu cũng không hứng thú, không thích mấy nhưng mà dần dần mình tìm hiểu tìm tòi về các hoa văn, vật liệu rồi mẹ chỉ cho mình từng chút một nên mình thấy yêu cái sản phẩm, yêu các nghề này hơn. Và mình biết mình là người kế thừa của mẹ và truyền lại cho con cháu mình sau này”.

Tại làng Plei R’Bai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, nhiều năm nay các bà, các mẹ vẫn cần mẫn bên những khung dệt để làm nên những sản phẩm thổ cẩm với hoa văn đẹp mắt. Không chỉ lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, những sản phẩm thổ cẩm còn là món quà đầy ý nghĩa mà các bà, các mẹ dành tặng cho con cháu khi đến tuổi trưởng thành, lấy vợ, lấy chồng. Để có thể dệt nên những sản phẩm với màu sắc bắt mắt, hoa văn độc đáo, các bà, các mẹ không chỉ tỉ mẫn trong từng khâu kéo sợi, phối màu mà còn đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay và óc sáng tạo… Vì để có thể hoàn chỉnh 1 sản phẩm phải mất cả tuần có khi là cả tháng.

Bà Rơ Mah H’la – Làng Plei R’Bai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện nói: “Buổi chiều không có việc làm thì mình dệt thổ cẩm, rảnh buổi trưa cũng làm luôn. Nếu có người dùng thì mình bán, không thì mình để dành cho con cái mình”.

Sáng tạo trong cách thực hiện, những đồ dùng trang phục thổ cẩm do các chị em làm ra cũng đa dạng kiểu dáng và màu sắc. Những tấm thổ cẩm được các bàn tay người thợ có kinh nghiệm lâu năm kết hợp hài hòa giữa họa tiết, hoa văn truyền thống và hiện đại mang phong cách rất riêng.

Chị Nay H’Đương – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Plei R’Bai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện cho biết: “Mấy năm trước cũng có thành lập CLB dệt thổ cẩm ở làng Plei RBai, những người lớn tuổi sẽ truyền lại cho con cháu để duy trì nét văn hóa của dân tộc mình. Mong làm sao CLB tạo điều kiện, CLB hoàn thiện hơn để lớp lớn dạy cho lớp trẻ.  Nếu mà có đầu ra, CLB có thu nhập và hoạt động tốt hơn”.

Hiện nay, các cấp hội phụ nữ tỉnh Gia Lai đã thành lập được 106 CLB dệt thổ cẩm với hơn 1600 thành viên. Nhiều câu lạc bộ, sau một thời gian thành lập đã phát triển ổn định, sản phẩm dệt của chị em cũng được được du khách trong và ngoài nước biết đến. Qua đó, góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho lao động nữ.

Bà Rơ Mah H’chiu – Làng Plei R’Bai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện bộc bạch: “Đây là nghề truyền thống được ông bà hồi xưa để lại, sau này mình già không làm được nữa thì con cháu xem những chiếc váy, chiếc áo này cũng hiểu và tự hào về truyền thống của dân tộc mình, từ đó làm theo”.

Tuy chưa thể trở thành một nghề đem lại thu nhập chính cho hội viên, phụ nữ nhưng việc thành lập các CLB dệt thổ cẩm của các cấp Hội LHPN tỉnh Gia Lai cũng đã góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của nhiều chị em đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời duy trì và phát triển được nghệ dệt truyền thống.

Với mong muốn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo triển khai Quyết định số 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo về việc triển khai Nghị định số 52 ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.  Qua đó, không chỉ riêng nghề dệt thổ cẩm mà nhiều nghề truyền thống của người dân bản địa có cơ hội được khôi phục và  phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường tiêu thụ ra toàn quốc./.

 Linh Chi, Huy Toàn


Lượt xem: 12

Trả lời