Phát triển thương mại điện tử trong nền kinh tế số

Cập nhật 09/10/2021, 17:10:56

Nhằm bắt kịp xu hướng kinh tế số, đáp ứng nhu cầu giao dịch nhanh, hiện đại, thuận tiện cho người tiêu dùng, ngành Công Thương Gia Lai khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng Webside, tham gia các Sàn giao dịch TMĐT, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến được làm từ những sản vật địa phương như: Xúc xích tép Biển Hồ, Heo sọc dưa 1 nắng, Gà đồng bào xông khói, … Công ty TNHH MTV Trần Lâm Gia Phát ở thành phố Pleiku đã xác định TMĐT là một trong những định hướng phát triển của công ty trong thời kỳ công nghệ 4.0. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh đào tạo nhân lực, đơn vị đã  xây dựng chiến dịch marketing online để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử hiện có. Nhờ vậy, sau 3 năm thành lập, đến nay đơn hàng online chiếm khoảng 70% tổng đơn hàng của công ty.

Ông Trần Dũng – Trưởng phòng Kinh doanh – Công ty TNHH MTV Trần Lâm Gia Phát, phường Trà Bá, TP. Pleiku cho biết: “Thông qua chương trình tập huấn của Sở Công thương tỉnh Gia Lai thì K.P Food hiện nay triển khai trên 3 mảng chính bên marketting online trên nền tảng công nghệ 4.0. Nền tảng đầu tiên là chúng tôi tập vào việc tối ưu các công cụ tìm kiếm trên webside của Trần Lâm Gia Phát, thứ 2 là chúng tôi tập trung vào nền tảng của Tiki, lazada, Sendo… để triển khai trên nền tảng của thương mại điện tử, nền tảng thứ 3 là chúng tôi triển khai trên Facebook. Đây là 3 kênh chính mà chúng tôi đang triển khai hiện tại”.

Còn đối với doanh nghiệp mới khởi nghiệp như Công ty TNHH Nhất An Gia Lai thì việc tiếp cận thị trường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của ngành Công Thương, bên cạnh thị trường truyền thống, đơn vị đã tiếp cận bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Shopee và trang Fanpage của công ty. Việc tiếp cận kinh doanh các sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử đã giúp công ty mở rộng được thị trường, duy trì hoạt động trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp.

Bà Phan Thị Tiết – Giám đốc ­ Công ty TNHH Nhất An Gia Lai – 25B Nguyễn Bá Ngọc – TP. Pleiku cũng nêu: “Doanh nghiệp của mình là doanh nghiệp mới nên rất khó khăn về tiếp cận với khách hàng trực tiếp, nên nhờ TMĐT mà doanh nghiệp tiếp cận khách hàng dễ dàng, và nhiều khách hàng biết đến công ty thông qua trang mạng điện tử. Việc tiếp cận với trang thương mại điện tử rất thuận lợi cho việc kiinh doanh của công ty sau này để mở rộng thị trường”.

Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà hiện nay nhiều cửa hàng bán lẻ  trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã bắt kịp xu hướng của thời kỳ công nghiệp 4.0 để tăng sức cạnh tranh. Mặc dù việc tiếp cận TMĐT đối với các cửa hàng bán lẻ khó khăn hơn nhiều, nhưng việc duy trì song song 2 hình thức bán hàng truyền thống và online đã giúp các cửa tương tác được với nhiều đối tượng khách hàng, tăng doanh thu.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thương – Cửa hàng Bích Hương, đường Cách mạng Tháng 8, TP. Pleiku cho biết: “Để bắt kịp với xu hướng 4.0 thì cửa hàng cũng phải cập nhật, thứ nhất là chúng tôi chủ động tạo ra tên miền yeugialai.vn và kết nối vói zalo cũng như là facebook của shop để khách có thể dễ dàng tương tác mua hàng.  Từ một cừa hàng truyền thống mà nhảy vọt sang cửa hàng 4.0 như thế này thì cửa hàng cũng rất cố gắng còn về thành toán thì cửa hàng chú trọng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản và online”.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Gia Lai, giai đoạn 2016-2020 doanh số trong giao dịch TMĐT hàng năm tăng khoảng 15%/năm, chiếm 4% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Tuy nhiên, việc ứng dụng TMĐT chưa tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Để phát triển TMĐT, ngành Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT. Trong đó, tập trung hướng dẫn, triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng các công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh… Phấn đấu đến năm 2025, khoảng 40% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 400 USD/người/năm. Doanh số thương mại điện tử chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của toàn tỉnh.

Lê Thư – Xuân Huy – Mạnh Hà


Lượt xem: 10

Trả lời