Phát triển thương hiệu “Yến sào Chư Sê”: Vẫn còn những vướng mắc

Cập nhật 09/4/2023, 13:04:27

Yến sào là món ăn với nguồn dinh dưỡng có giá trị cao, giá thành ổn định đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Vì vậy, những năm gần đây nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Chư Sê nói riêng đang được mở rộng phát triển. Với mong muốn xây dựng thương hiệu “Yến sào Chư Sê”, Hội Yến của huyện đã tập trung triển khai nhiệm vụ này, tuy nhiên quá trình thực hiện xây dựng thương hiệu vẫn còn nhiều vướng mắc.

Trên địa bàn huyện Chư Sê hiện có gần 400 nhà nuôi yến của 300 hộ dân. Đến nay, khoảng 70% nhà yến đã cho thu tổ với sản lượng trung bình 1-3 kg tổ (thô)/tháng. Đặc biệt, nhiều hộ thu đến 30-40 kg/tháng. Với giá bán 18-20 triệu đồng/kg tổ yến thô, 28-30 triệu đồng/kg tổ yến sạch, nhiều gia đình có thu nhập vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Hội Yến sào huyện Chư Sê đã triển khai nhiều giải pháp để nâng tầm yến sào của địa phương thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiện nay, Hội đã xây dựng được sản phẩm yến tinh đạt 3 sao với 5 chủ thể đăng kí tham gia.

Ông Phạm Tiến Dũng – Chủ tịch Hội Yến sào huyện Chư Sê cho biết; “Thời tiết ở Tây Nguyên cũng thuận lợi cho ngành nuôi yến mà hiệu quả kinh tế rất hiệu quả. Anh em tập thể vận động tham gia để làm sao có đươc thương hiệu những chỉ mới làm được OCOP. Năm tới đây, các hội viên cố gắng phấn đấu làm sao để nhân rộng thương hiệu OCOP để ra thị trường, người tiêu dùng yên tâm.”

Với mong muốn nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và phát triển mạnh thị trường tiêu thụ, Hội Yến sào Chư Sê đã liên kết các hộ nuôi để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và hướng đến xây dựng thương hiệu “Yến sào Chư Sê” . Tuy nhiên, thương hiệu tập thể này chưa thể thực hiện bởi một số vướng mắc như: Hộ nuôi xây dựng nhà yến không phù hợp với việc quy hoạch hợp pháp vùng nuôi; chưa đáp ứng được các quy định về khoảng cách, thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến….

Ông Trần Qúy Lâm – Xã Ia Pal, huyện Chư Sê nói: “Sau khi tiêu và cà mất giá thì bà con cũng hụt hẫng hướng đi về làm kinh tế nhưng nhờ nghề nuôi yến, bà con cũng được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền rất nhiều xây dựng được Hội yến Chư Sê. Bây giờ vướng một chỗ của Nghị quyết 127 của Hội đồng Nhân dân tỉnh có sự cản trở với người nuôi yến, ngành nuôi yến nó đặc thù không giống như những con vật khác, nó không thể di dời được. Mã định danh của nhà yến, thực tình người nuôi yến bây giờ chúng tôi gặp khó khăn.”

Với những vướng mắc trong quá trình xây dựng thương hiệu “Yến sào Chư Sê” chưa thể tháo gỡ nên đối với các hộ nuôi yến trên địa bàn huyện chỉ đăng kí thương hiệu cho sản phẩm cá nhân. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh sẽ có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi yến và xây dựng thương hiệu yến nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định, xây dựng chỉ dẫn địa lý,… cho sản phẩm yến để xuất khẩu.

 


Lượt xem: 6

Trả lời