Phát triển lâm nghiệp bền vững ở Gia Lai

Cập nhật 12/5/2022, 07:05:42

Triển khai kế hoạch trồng rừng, trong giai đoạn 2017 – 2020, toàn tỉnh Gia Lai đã trồng mới được gần 25.300 ha rừng, gấp 6,3 lần so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đề ra. Trong giai đoạn 2021 – 2025, việc đẩy mạnh công tác trồng rừng, phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững là một trong những hướng đi được tỉnh Gia Lai xác định nhằm đưa ngành Lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương.

      Huyện Kông Chro là một trong những điểm sáng về công tác trồng rừng của tỉnh. Giai đoạn 2017 – 2020 toàn huyện đã trồng được gần 3.000 ha rừng. Nhờ triển khai có hiệu quả các giải pháp trong vận động thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và chi trả kịp thời các chính sách hỗ trợ nên người dân ở huyện Kông Chro đã tự nguyện đăng ký trồng rừng; đồng thời, chủ động chuyển đổi những diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng rừng, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số.

Anh A Nhar, xã Đăk Song, huyện Kông Chro cho biết: “Gia đình tôi trước đây cũng trồng bắp, trồng mỳ cũng được nhưng khi Nhà nước triển khai trồng rừng, trồng keo, trồng bạch đàn thì gia đình cũng bắt đầu trồng từ năm 2017 đến nay thì cũng được hơn 5ha rồi. Thấy cây keo và bạch đàn phát triển rất tốt”.

     Để tiếp tục thu hút người dân tham gia trồng rừng thì các địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cho người dân. Cùng với đó là đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp để thu mua, tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân.

Ông Lê Trọng – Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: “Chúng tôi cũng sử dụng nhiều nguồn lực, ngoài nguồn vốn từ Quyết định 38 và 75 của Chính phủ thì huyện đã sử dụng nguồn ngân sách, nguồn sự nghiệp khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Huyện cũng vận động bà con yên tâm vấn đề đầu ra của sản phẩm rừng trồng vì vừa qua huyện cũng đã thu hút được nhà đâu tư xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ gỗ rừng trồng của người dân’.

Anh Nguyễn Văn Hạnh, xã Hra, huyện Mang Yang nói: “Huyện và xã cũng tuyên truyền, vận động và bước đầu hỗ trợ tiền giống và gia đình tôi đã trồng được 3 ha để sau này có thu nhập thêm để xóa đói giảm nghèo trong cuộc sống”.

     Hướng đến sự phát triển bền vững, tỉnh Gia Lai cũng đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy thu mua, chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng. Qua đó, hình thành mối liên kết giữa các doanh nghiệp với người dân từ đầu tư ban đầu đến thu mua sản phẩm. Để từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm và từng bước đưa ngành Lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Hiện nay chúng ta đang kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn để xây dựng các nhà máy chế biến gỗ chất lượng chất lượng cao. Và hiện nay đã có nhiều cơ sở nhà máy. Có nhà máy chế biến gỗ thì sản xuất sản phẩm gỗ chất lượng cao và cũng có nhà máy chế biến những sản phẩm viên nén từ gỗ để tận dụng những sản phẩm nhỏ. Thứ 2 nữa là trách nhiệm của ngành Nông nghiệp thì phải tạo cơ sở hạ tầng về lâm nghiệp để thu hút người dân trồng rừng”.

      Với những định hướng, lộ trình cụ thể sẽ là cơ sở vững chắc và mở ra một hướng đi mới để thúc đẩy ngành Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững. Từ đó, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ hệ sinh thái của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng./.

Đức Hải – Huy Toàn – Minh Trung


Lượt xem: 21

Trả lời