Phát triển điện mặt trời áp mái nhà tại Gia Lai

Cập nhật 25/5/2020, 16:05:33

“Lợi ích kép” khi vừa tiết kiệm chi phí chi trả tiền điện hàng tháng, đồng thời có thể kinh doanh bằng cách bán lại nguồn điện cho ngành điện, đã và đang tạo ra sức hấp dẫn thu hút nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà (ĐMTAMN) ngày càng nhiều. Đặc biệt là thời điểm sau khi có Quyết định số 13 ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Bỏ ra 175 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhà (ĐMTAMN) cho gia đình với công suất 10 kWp  vào thời điểm Tháng 7/2019, với những khách hàng sử dụng điện có hóa đơn hơn 700 ngàn đồng mỗi tháng như gia đình anh Trần Ngọc Bổn ở phường Diên Hồng, TP.Pleiku thì đây thực sự là giải pháp và lựa chọn hợp lý để tiết kiệm chi phí chi trả tiền điện hàng tháng. Với chi phí bỏ ra để đầu tư ban đầu và sản lượng điện thu được từ hệ thống ĐMTAMN mỗi tháng bán lại cho ngành điện, thời gian hoàn vốn có thể chỉ vài ba năm.

 Anh Trần Ngọc Bổn – Phường Diên Hồng, TP.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Mình thấy nó rất là hợp lý bởi vì ngày càng nắng nhiều, điện ngày càng tăng giá. Mình lắp thì mình tận dụng được không gian mái nhà mình không sử dụng, nó vừa mát và không ồn trên mái khi trời mưa. Thì mình thấy lắp có lợi rất nhiều và thậm chí mình còn dư ra 1 khoản tiền.Như mình lắp 10 kWp thì một tháng mình dư ra khoảng 2,7 triệu đồng sau khi trừ sử dụng trong nhà. Thì mình thấy nó quá tiện”.

Thực tế cho thấy, công suất hệ thống ĐMTAMN phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng, kinh doanh của mỗi hộ, mỗi gia đình, doanh nghiệp cũng như phụ thuộc vào diện tích mái nhà hiện có. Hiện tại trên địa bàn tỉnh, đối với hộ gia đình nhỏ, doanh nghiệp nhỏ thường đầu tư hệ thống có công suất đến 10kWp. Về phía ngành điện, để khuyến khích khách hàng sử dụng ĐMTAMN, Công ty Điện lực Gia Lai cũng đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ khách hàng.

Anh Phạm Vinh Quang – TP.Pleiku, Gia Lai cũng nói: “Ở nhà đây thì mình dự kiến lắp thêm 5 kWp nữa, với bên nhà chị cũng dự kiến vì mình thấy hiệu quả đem lại. Bên Điện lực hướng dẫn đăng ký, làm hợp đồng và hỗ trợ các vấn đề thủ tục pháp lý, kiểm tra sản phẩm đầu vào đầu ra, khuyến khích nên dùng sản phẩm nào, thì cái đó tốt cho những hộ gia đình và những người đầu tư. Thời gian thủ tục bên Điện lực thì không quá 03 ngày”.

 Theo báo cáo của Công ty Điện lực Gia Lai, đến thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh đã có 319 dự án ĐMTAMN lắp đặt, đấu nối vào lưới điện hạ áp với tổng công suất 5,1 MWp và 17 dự án đấu nối vào lưới điện trung áp với tổng công suất 13,7 MWp. Đồng thời tổng số tiền ngành điện đã trả cho các chủ đầu tư đối với các công trình đóng điện trước ngày 30/6/2019 là 8,9 tỉ đồng, với mức giá mua điện khoảng 2.086 đồng/kWh. Riêng đối với những hệ thống ĐMTAMN có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến ngày 31/12/2020 sẽ được mua lại điện với mức giá khoảng 1.943 đồng/kWh và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện. Khuyến khích phát triển ĐMTAMN, trong năm 2019, Công ty Điện lực Gia Lai đã vận động đấu nối được hơn 12,3 MWp, vượt kế hoạch so với mức 7,5 MWp được Tổng Công ty Điện lực Miền Trung giao. Và trong năm 2020 này, theo dự kiến Công ty Điện lực Gia Lai cũng sẽ vượt xa kế hoạch được giao khi chỉ trong vòng 01 tháng qua đã có trên 300 chủ đầu tư đăng ký đầu tư dự án với tổng công suất trên 300 MWp./.

Mỹ Tiến – R’Piên – Phi Long


Lượt xem: 138

Trả lời