Phát triển chanh dây trên đất Mang Yang

Cập nhật 25/6/2018, 07:06:30

Huyện Mang Yang là 1 trong những địa phương của tỉnh Gia Lai mở rộng diện tích chanh dây tương đối lớn, nhất là thời điểm vào khoảng cuối năm 2016 khi giá chanh dây trên thị trường ở mức cao kỷ lục. So với một số loại cây trồng ngắn ngày khác, chanh dây cũng đã mang lại nguồn thu khá cho nhiều hộ nông dân ở địa phương.   

Thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017, diện tích chanh dây ở huyện Mang Yang đã vượt qua con số 600 ha; trong đó tập trung nhiều ở các xã Đăk Djrăng, Đăk Ta Ley, Đăk Jơ Ta và Ayun. Chi phí đầu tư so với một số loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu ít hơn nhiều; thời gian từ trồng đến cho thu hoạch lại tương đối ngắn và giá cả cũng ở mức cao nên nhiều hộ có diện tích lên đến vài hecta.

Anh Phạm Văn Giám – thôn Linh Nham, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai nói: “Riêng ở huyện Mang Yang đây thì bây giờ cũng nhiều bà con rất muốn trồng lại. Có năm ngoái giá nó có hơi thấp nên bà con 1 số người ta không trồng, nhưng bây giờ được giá, theo như chúng tôi làm thì thấy khả quan nên nhiều bà con bây giờ cũng muốn trồng lại nữa”.

Theo người trồng chanh dây ở Mang Yang, với mức giá khoảng hơn 10.000 đồng/kg thì người trồng đã có lãi; và nhiều nông dân thậm chí đã thu được cả trăm triệu đồng từ trồng chanh dây. Mặc dù giá chanh dây trên thị trường có lúc cao lúc thấp, tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh trên cây tiêu và giá tiêu, giá cà phê cũng đang giảm mạnh trong thời gian qua, chính quyền cùng ngành chuyên môn huyện Mang Yang đang hướng tới thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương; trong đó chanh dây là một trong những ưu tiên để thay thế các loại cây trồng khác kém hiệu quả.

Ông Lê Trọng – Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cũng như là các xã, thị trấn là tuyên truyền, vận động nhân dân để đẩy mạnh chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả. Diện tích hiện nay mà bà con đang canh tác chủ yếu nhiều nhất trên địa bàn nhưng lại kém hiệu quả đó là cây sắn. Cây sắn thì làm đất bạc màu và hiệu quả kinh tế không cao nên chúng tôi đang vận động bà con chuyển sang trồng các loại cây dứa và chanh dây. Thì đây là lợi ích lâu dài góp phần cho công tác XĐGN bền vững trong các vùng DTTS và vùng sâu vùng xa của chúng tôi.

Phát triển và mở rộng diện tích chanh dây, huyện Mang Yang cũng đang xúc tiến việc ổn định đầu ra cho sản phẩm chanh dây, đảm bảo lợi ích cho người nông dân và hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững./.

 

Mỹ Tiến, R’Piên

 

         


Lượt xem: 39

Trả lời