Phát triển chanh dây ở huyện biên giới Chư Prông

Cập nhật 07/1/2023, 08:01:44

Chủ động đổi mới tư duy sản xuất, những năm gần đây nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả đã được người dân huyện biên giới Chư Prông chuyển sang trồng chanh dây, bắt nhịp với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương.

 2,6ha chanh dây này, với giá thời điểm hiện tại, gia đình anh Phạm Văn Thành ở làng Me, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông sẽ thu lợi khá lớn. Bỏ chi phí đầu tư ban đầu cũng khá nhiều, lại thêm ảnh hưởng của cơn bão số 02 trong năm 2022 làm nhiều diện tích chanh dây bị thiệt hại; thế nhưng so với một số loại cây trồng khác ở địa phương thì trồng chanh dây đang cho thu nhập cao với nhiều nông dân như anh.

Anh Phạm Văn Thành – Làng Me, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông nói: “Giờ trồng mỳ, trồng lúa hay trồng những cây khác thì lợi nhuận không bằng chanh dây, nói thật như vậy. Nặng vốn đầu tiên thôi, thì lợi nhuận của mình sẽ kém đi; nhưng từ năm thứ 2 trở đi thì lợi nhuận của mình sẽ cao. Thì thường thường 01 ha chanh dây thu trung bình nếu không tính vốn ban đầu mà tính vốn năm thứ hai thì 01ha chanh dây mình đạt 400 đến 500 triệu/ha, đó là giá đạt. Nếu giá 4-5 ngàn mình không nói nhưng giá thành từ 8 ngàn trở lên thì 01ha mình đạt 400 đến 500 triệu/năm”.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây chanh dây; những năm gần đây, diện tích chanh dây tại các địa phương của tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển. Tại huyện Chư Prông, đến nay có hơn 820 ha chanh dây; trong đó nhiều nhất là tại xã Ia Phìn với khoảng 200 ha. Đáng nói, hiện nhiều diện tích chanh dây trên địa bàn huyện được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, mở ra cơ hội cho người dân trong sản xuất nông nghiệp có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… Đồng thời việc phát triển chanh dây cũng được người dân thực hiện theo liên kết sản xuất, đảm bảo cho chất lượng cũng như ổn định đầu ra sản phẩm chanh dây.

Ông Trần Văn Hoàng – Xã Ia Phìn, huyện Chư Prông cho biết: “Nói chung người dân thì họ cũng mong muốn đầu ra ổn định. Bây giờ họ làm được cây chanh dây này thì trước đây do chưa có ổn định về đầu ra nên họ cũng rất lo, nhưng bây giờ có HTX thì thấy người dân cũng rất thích và cũng đồng lòng ủng hộ. Nói chung sau này thu hoạch có thể bán cho bên HTX”.

Phát triển cây chanh dây theo hướng sản xuất hàng hóa, tuy nhiên để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm chanh dây, nhất là thị trường xuất khẩu thì việc xây dựng mã số vùng trồng cho chanh dây là điều hết sức cần thiết và điều này đã và đang được các địa phương trên địa bàn huyện Chư Prông quan tâm, ưu tiên thực hiện.

Ông Lê Thế Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông trao đổi: “Ở Bàu Cạn phải trên dưới 200ha trồng chanh dây. Hiện nay xã Bàu Cạn cũng đang làm mã vùng cho cây chanh dây. Hiện xã đang làm 2 mã vùng, một là thôn Đồng Tâm và hai là thôn Đoàn Kết; phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân làm mã vùng cho chanh dây”.

Mặc dù là cây trồng mới nhưng hiện nay, chanh dây đã và đang được phát triển mạnh ở nhiều xã của huyện biên giới Chư Prông; mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Với những hiệu quả khả quan mang lại, thời gian tới ngành nông nghiệp huyện Chư Prông tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh sản xuất gắn với chuỗi giá trị để ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chanh dây, bảo đảm đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời mở rộng diện tích sản xuất chanh dây theo hướng an toàn, chứng nhận sản phẩm (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…) phù hợp nhu cầu thị trường trong nước và cả xuất khẩu./.

Mỹ Tiến, Huy Toàn


Lượt xem: 4

Trả lời