Phát triển các đội cồng chiêng ở làng

Cập nhật 22/11/2018, 14:11:25

Việc thành lập và phát triển các đội cồng chiêng ở nhiều lứa tuổi được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Tại phường Thắng Lợi – TP.Pleiku, trong thời gian qua, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm duy trì và phát triển các đội cồng chiêng ở làng, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Làng Choet 2 được xem là địa phương có đội cồng chiêng hùng mạnh nhất trong 3 làng trên địa bàn phường Thắng Lợi. Ngoài đội cồng chiêng người lớn, hơn 3 năm qua, làng cũng đã thành lập được đội cồng chiêng thanh thiếu niên với hơn 50 người thuộc nhiều lứa tuổi tham gia vào 2 đội cồng chiêng của làng… Không phân biệt tuổi tác, cứ vào những ngày cuối tuần, nhà sinh hoạt cộng đồng của làng trở nên đông vui, nhộn nhịp bởi âm thanh rộn rã của tiếng cồng tiếng chiêng… Âm vang của cồng chiêng và những điệu múa xoang như sợi chỉ đỏ gắn kết mọi người lại với nhau với bao cảm xúc xen lẫn niềm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc.

Ông Sái – Làng Choet 2, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku nói: “Đội cồng chiêng, đội xoang của làng phát huy truyền thống của dân tộc, của ông bà xa xưa để lại”.

Em Ksor Hloan – Làng Choet 2, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku cũng chia sẻ: Em thấy tự hào vì là người Jrai và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc và mong rằng các em nhỏ giữ được truyền thống văn hóa của dân tộc.

Dù bận rộn với công việc nương rẫy, đồng áng và chuyện học hành, mưu sinh… song thành viên các đội cồng chiêng, đội múa xoan ở các làng trên địa bàn phường Thắng Lợi vẫn đều đặn duy trì việc luyện tập và nhiệt tình, hăng say tham gia biểu diễn trong các lễ hội của địa phương…  Tuy vậy, khó khăn của các làng hiện nay là nguồn kinh phí để chỉnh chiêng và mua sắm bộ cồng chiêng để việc tập luyện được thuận tiện và hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, TP.Pleiku cho biết: “Phường đã xây dựng chương trình, mỗi làng thành lập 1 đội cồng chiêng nhỏ tham gia luyện tập vào các buổi thứ 7, Chủ nhật. Tuy nhiên, khó khăn là kinh phí để bồi dưỡng cho người giảng dạy là các già làng, các cháu tham gia học thì không có kinh phí. Bên cạnh đó, các làng thì chỉ có làng Choet 2 là có được bộ cồng chiêng, còn lại 2 làng kia không có, mong muốn có nguồn đầu tư, hỗ trợ để tới đây mỗi làng có bộ cồng chiêng để các cháu học đi đôi với hành”.

Trong dòng chảy của văn hóa truyền thống và hiện đại, để Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mãi trường tồn rất cần sự trao truyền, tiếp nối của những nghệ nhân, già làng và lớp lớp thanh thiếu niên… Ngoài những nhân chứng sống, những người tiếp lửa và thế hệ trẻ, các làng DTTS vẫn cần nguồn đầu tư,  hỗ trợ về kinh phí của các cấp, ngành, địa phương để việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thêm bền vững./.

Thiên Thanh, Minh Trí


Lượt xem: 44

Trả lời