Phát huy hiệu quả những mô hình hỗ trợ sinh kế

Cập nhật 04/2/2023, 09:02:05

Hỗ trợ các mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số là một trong những cách làm hiệu quả được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai triển khai trong thời gian vừa qua. Với quan điểm « Trao cần câu hơn trao con cá », hình thức hỗ trợ này đã tiếp sức, tạo động lực để nhiều người dân vươn lên thay đổi nếp nghĩ cách làm, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Năm 2018, gia đình chị H’Than ở làng Ia Lang, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Chi Lăng tặng 1 cặp bò giống. Đây là tài sản lớn nhất có được từ trước đến nay, chính vì thế vợ chồng chị đã cố gắng chăn nuôi, đồng thời chủ động tăng đàn. Thời điểm cao nhất gia đình chị H’Than có đến 8 con bò. Số tiền từ việc bán bò đã giúp gia đình chị  có điều kiện trang trải cuộc sống, đặc biệt là đã thoát được nghèo đeo bám từ trước đến nay. Điều đáng quý hơn nữa là khi kinh tế đã khá ổn định, gia đình chị đã quyết định tặng 1 con bò giống cho 1 hộ nghèo trong làng để cùng làm ăn. Với sự sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ, cùng với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế, gia đình chị H’ Than đã góp phần lan tỏa tinh thần quyết tâm vươn lên xóa đói giảm nghèo tại làng Ia Lang.

Chị H’Than – Làng Ia Lang, phường Chi Lăng, TP. Pleiku cho biết: “Người ta tặng mình thì mình lại tặng cho người khác, mình thoát nghèo thì cũng mong người khác thoát nghèo. Mình phải chăm chỉ làm ăn, chăm sóc tốt cho bò”.

Không chỉ hỗ trợ sinh kế trong lĩnh vực chăn nuôi, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Chi Lăng còn rất chú trọng vào mô hình cải tạo vườn tạp. Những năm trước đây, nhiều người dân tại 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn chưa biết cách tận dụng đất đai để tăng gia sản xuất. Sau khi được các tổ chức đoàn thể thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Chi Lăng tận tình hướng dẫn, hỗ trợ giống cây trồng, người dân đã biết tận dụng diện tích đất đai để không sang trồng nhiều loại cây khác nhau. Trong đó các loại cây ăn trái và rau xanh chiếm ưu thế hơn cả. Với mô hình này hộ gia đình bà Yop ở làng Chăm Neh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku đã tăng đáng kể thu nhập hàng ngày nhờ việc bán rau.

Bà Yop – Làng Chăm Neh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku cho biết: “Vườn nhà tôi tuy rộng nhưng trước đây không biết cải tạo để trồng trọt. Khi Mặt trận của phường đến bày cách, hỗ trợ cây ăn trái, tôi đã biết cách vừa trồng cây ăn trái, vừa trồng rau xanh. Vừa có rau để bán hàng ngày, có thêm tiền, sau này lại có trái cây để ăn. Tôi rất cảm ơn Mặt trận và các đoàn thể”.

Từ hiệu quả của mô hình điểm hỗ trợ cây, con giống, không chỉ những hộ nghèo, hộ cận nghèo mà nhiều người dân tộc thiểu số trên địa bàn phường Chi Lăng cũng đã học hỏi, áp dụng để sản xuất trên chính mảnh đất của mình. Với khí thế hăng say thi đua lao động, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân tộc thiểu số ở phường Chi Lăng dần khởi sắc.

Bà Trần Thị Thanh Tuyền – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chi Lăng, TP. Pleiku cho biết: “Thực tế cho thấy thời gian qua các hộ dân được chúng tôi đồng hành đều có cuộc sống tốt hơn, thoát được nghèo, cận nghèo. Vì thế trong thời gian tiếp theo chúng tôi sẽ tích cực huy động các nguồn vốn khác nhau để cùng hỗ trợ thêm nhiều mô hình nữa để phát triển kinh tế cho người dân tộc thiểu số”…

Những mô hình hỗ trợ sinh kế tại phường Chi Lăng đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, qua đó đã lan tỏa ngày càng mạnh mẽ của việc thay đổi nếp nghĩ cách làm của người dân. Từ đó, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại mỗi địa phương./ .

 Thanh Vui, Duy Linh


Lượt xem: 8

Trả lời