Phát động chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết

Cập nhật 20/7/2019, 14:07:55

Nếu như thời điểm này năm 2018, toàn tỉnh Gia Lai chỉ có 510 ca sốt xuất huyết thì hiện tại đã có trên 3.000 ca mắc được ghi nhận tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đặc biệt, trong 2 tháng qua, các ổ dịch sốt xuất huyết tăng nhanh ở một số địa phương; công tác tuyên truyền, phun hóa chất diệt muỗi, xử lý các ổ dịch đang được ngành Y tế tỉnh triển khai tích cực. Song, điều quan trọng nhất trong công tác phòng chống dịch vẫn là ý thức tự phòng bệnh của người dân.

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh tại các xã, phường với trên 680 ca mắc, chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết đã được UBND thành phố Pleiku phát động tại phường Hội Phú. Sau lễ phát động, 23/23 xã, phường trên toàn thành phố sẽ đồng loạt ra quân triển khai chiến dịch, trong đó tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng bệnh.

Anh Nguyễn Nhật Quang – Phó Chủ tịch UBND phường Hội Phú, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “UBND phường cũng đã kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống sốt xuất huyết, thành lập các tổ xung kích chỉ đạo trực tiếp là bí thư, tổ trưởng ở khu dân cư. Phường cũng đã triển khai , phát động người dân tự diệt lăng quăng bọ gậy. Hàng tuần chỉ đạo các khu dân cư, trọng điểm là địa bàn tổ dân phố 5 chỉ đạo quân dân chính phối hợp đoàn thanh niên phường các tổ chức đoàn thể khu dân cư huy động toàn thể bà con nhân dân lật úp loại bỏ các dụng cụ chứa nước đây là nguồn phát sinh muỗi”.

Ông Lương Hoa Mai – Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 5, phường Hội Phú thành phố Pleiku, Gia Lai  cho biết: “Tổ dân phố 5 dịch sốt xuất huyết hàng năm cũng xuất hiện sớm hơn, nhiều hơn. Tổ xung kích chúng tôi toàn bộ quân dân chính hơn 10 người, bên chi bộ cũng cử 3 người tham gia tổ xung kích này bao gồm toàn bộ trưởng các ban ngành phân nhóm đi các khu vực nhắc nhở bà con, đi trực tiếp từng nhà, chia từng nhóm đổ các nước trong lu, chum, vại”.

Thực tế cho thấy khả năng khống chế các ổ ấu trùng muỗi vẫn đang gặp khó khăn, theo kết quả điều tra véc tơ trước phun, chỉ số mật độ muỗi, lăng quăng, bọ gậy đều cao hơn chỉ số cho phép của Bộ Y tế. Hiện tại đang vào mùa mưa, nắng mưa đan xen dẫn tới tình trạng đọng nước ở các dụng cụ chứa nước nhiều nên nguy cơ nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng. Cách phòng chống tốt nhất vẫn là diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt.  

Ông Đinh Hà Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết: “Rất mong được chính bản thân mỗi người dân quan tâm cùng với ngành y tế để giải quyết tình trạng này. Tốt nhất là 3 ngày kiểm tra xung quanh nơi mình sống xem có bất kỳ dụng cụ nào đọng nước. Mong chính quyền các  địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí thành lập đội xung kích diệt lăng quăng bọ gậy tại các địa bàn, cụm dân cư, tổ dân phố thôn làng. Trung bình mỗi đội xung kích khoảng từ 3-5 người, trong đó có 1 cán bộ y tế để hỗ trợ tham gia tuyên truyền vệ sinh môi trường diệt lăng quăng bọ gậy, trung bình 5 ngày kiểm tra tại các hộ dân 1 lần, lật tất cả dụng cụ chứa đọng nước để muỗi không có cơ hội sinh trưởng, phát triển”.

Muỗi lây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch trong và xung quanh nhà. Chính vì vậy, người dân cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thay nước bình hoa, loại bỏ các vật liệu phế thải đọng nước ở trong nhà và xung quanh nhà. Diệt muỗi và lăng quăng, bọ gậy là biện pháp chủ động phòng bệnh đơn giản nhất, hiệu quả nhất trong công tác phòng chống sốt xuất huyết./.

Kim Châu – Lê Thư – Minh Trung

 


Lượt xem: 57

Trả lời