Nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô hạn

Cập nhật 21/3/2018, 08:03:57

Gia Lai đang bước vào giai đoạn đầu mùa khô . Khó khăn về vấn đề nước tưới cho cây trồng có thể sẽ xảy ra và kèm theo đó là vấn đề về nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô hạn cũng đang đặt ra không ít khó khăn cho các địa phương.          Với hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đầu tư, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân, nhất là ở những địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn những năm gần đây đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ nhiều công trình không phát huy được hiệu quả nên nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô hạn cũng sẽ gặp không ít khó khăn. PS được thực hiện tại huyện Chư Sê. 

Nếu như thời điểm này của năm ngoái, người dân ở làng Păng Roh, xã Al Bă, huyện Chư Sê phải vất vả trong vấn đề nước sinh hoạt thì năm nay, đó không còn là nỗi lo bởi công trình giọt nước của làng đã được đầu tư sửa chữa từ nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện và huy động sức dân. Nước đã về tận nơi, người dân không còn phải đi xa tận các con suối để lấy nước như ngày trước.

Chị Đinh ChYăm – làng Păng Roh, xã Al Bă, huyện Chư Sê, Gia Lai nói: “Lấy nước ở đây về dùng, tất cả các làng đều dùng nước này. Có nước cuộc sống của bà con rất tốt, trước đây không có nước, rất khó khăn”.

Thế nhưng trái với niềm vui của người dân ở làng Păng Roh, xã Al Bă, không ít các công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn huyện Chư Sê mặc dù đã được đầu tư xây dựng quy mô nhưng chỉ sau một thời gian đưa vào hoạt động đã không còn phát huy hiệu quả. Thống kê của huyện Chư Sê, trên địa bàn huyện có tổng cộng 24 công trình cấp nước sạch nông thôn nhưng hiện chỉ có 13 công trình đang hoạt động có hiệu quả, còn lại 11 công trình đang hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động. Để khắc phục tình trạng này, với một số công trình bồn chứa bị hỏng, người dân bơm tạm ra các thùng phuy để sử dụng; tuy nhiên với các công trình máy bơm bị hỏng thì gần như bị bỏ không vì không có kinh phí sửa chữa.

Chị Lăng Thị Hương – Giáo viên điểm trường Mẫu giáo 13/3 làng Gran, xã Ia Hlôp, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Nói chung rất khó khăn vì bồn có nhưng không sử dụng được nên phải đi xin nước của nhà dân. Việc xin nước cũng khó khăn”.

Ông Nguyễn Văn Thương – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Phần lớn các công trình nước sạch tập trung trên địa bàn huyện được triển khai xây dựng những năm trước nên đa số chỉ xây dựng các công trình để phục vụ nước tại chỗ, sau đó người dân đến lấy nước tại chỗ do đó phần lớn rất bất cập trong quá trình quản lý, vận hành và thu tiền để bảo dưỡng cũng như sửa chữa các công trình khi gặp vấn đề”.

Mục tiêu đặt ra của huyện Chư Sê là phấn đấu đến hết năm 2018, sau khi cho thanh lý 11 công trình bị hư hỏng nặng, không thể khắc phục cũng như người dân không có nhu cầu sử dụng nước ở các công trình này thì toàn bộ các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung còn lại trên địa bàn được đầu tư hoạt động có hiệu quả nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân trong sinh hoạt, nhất là thời điểm mùa khô; đồng thời cũng là một trong những tiêu chí để đảm bảo hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Thực tế hiện nay cho thấy, không riêng gì tại huyện Chư Sê mà tại không ít các địa phương khác, phần lớn các công trình do xã quản lý, công tác quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng cũng như khai thác chưa thực sự hiệu quả; và cần những giải pháp để đảm bảo cho hoạt động của các công trình, giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô hạn./.

Mỹ Tiến, Đặng Trà 


Lượt xem: 62

Trả lời