Nông dân xã Hải Yang tăng thu nhập nhờ đa dạng hóa cây trồng

Cập nhật 16/12/2022, 14:12:43

Những năm gần đây, người dân ở xã Hải Yang, huyện Đak Đoa đã áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, mạnh dạn đưa nhiều giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao vào trồng; từ đó nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thơm là một trong 25 hộ dân tại xã Hải Yang tham gia mô hình “Xây dựng và phát triển thâm canh hồ tiêu bền vững” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai triển khai từ năm 2020. Khi tham gia mô hình, bà Thơm và những hộ nông dân khác được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ 60-70% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sau 3 năm triển khai, biết vườn tiêu của các gia đình đã hạn chế được sâu bệnh hại, chi phí để sản xuất và bảo vệ môi trường giảm, vườn tiêu cho năng suất ổn định hơn trước.

Bà Nguyễn Thị Thơm – Xã Hải Yang, huyện Đak Đoa cho biết: “Từ khi tham gia mô hình tôi thấy rất hiệu quả, trong diện tích của tôi thì thấy hiệu quả, bây giờ tôi vẫn đang áp dụng trong gia đình tôi phân đấy cho vườn ngày càng tốt hơn”…

Còn gia đình ông Ngô Mạnh Trường ở thôn 1, xã Hải Yang là một trong 5 hộ dân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai hỗ trợ cây giống để thực hiện mô hình thí điểm trồng cây mắc ca. Sau khi được hỗ trợ giống và tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 1400 cây mắc ca thay thế diện tích trồng cao su kém hiệu quả. Đến nay, sau 10 năm, gia đình ông đã có trên 5 ha mắc ca đang kinh doanh. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, với 11 tấn mắc ca hạt, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu được khoảng 900 triệu đồng.

Ông Ngô Mạnh Trường – Thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa cũng nói: “Sau 10 năm trồng cây mắc ca thấy hiệu quả hơn các loại cây khác, ví dụ như cây sầu riêng nhiều khi nó còn rủi ro, còn cây mắc ca mình trồng thu hoạch tới thời điểm này giá cả ổn định, cây trồng dễ chăm sóc, rủi ro dường như không có”.

Xã Hải Yang hiện có trên 2400 ha trồng các loại cây công nghiệp dài ngày. Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trong xã đã từng bước đa dạng hóa các loại cây trồng, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng độc canh. Ðiển hình là việc trồng xen cây mắc ca với cây cà phê.

Việc áp dụng các hình thức xen canh, đa canh trên một diện tích hợp lý đã đem lại lợi ích về nhiều mặt, không những giúp người dân có sản phẩm đa dạng, tăng thu nhập mà còn có tác dụng giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi, bền vững.

Ông Phạm Văn Vụ – Thôn 3, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa cho biết: “Cây mắc ca mà trồng xen trong vườn, cái lợi đầu tiên là cây mắc ca thì 5,6 năm mới bắt đầu ổn định, thì trong 6 năm đó, ở dưới tán của nó mình trồng cây cà phê là mình đã có thu rồi. Cà thì năm thứ 3 mình đã được thu rồi mà nó tiết kiệm được đất ở bên dưới, cà nằm dưới cây mắc ca thì nó ít bị bệnh, những cái bệnh ảnh hưởng từ thời tiết thì cây mắc ca đã che cho rồi. Hai cái lợi trước mắt là  mình tận dụng được đất có nguồn thu sớm, hai là cây tận dụng được phân”…

Ông Nguyễn Văn  Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yang, huyện Đak Đoa cũng cho biết: “Thực tế đối với người dân của mình, thấy cái gì lợi nhuận trước mắt thì cũng chạy theo vấn đề đó nhưng một vài năm trở lại đây thì giá cả thị trường cây tiêu nó bấp bênh. Đối với chính quyền địa phương chúng tôi cũng khuyến cáo rằng nông dân phát triển phải đa canh, đa cây để tranh sự rủi ro lớn để nếu mất vị thế cây này thì vẫn còn cây kia, đảm bảo lợi ích, tiềm năm kinh tế của gia đình”.

Thời gian tới, xã Hải Yang sẽ tiếp tục khuyến khích người dân đa dạng hóa các loại cây trồng, phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời đầu tư hạ tầng nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là có sự liên kết để bảo đầu ra, tiêu thụ nông sản cho nông dân./.

Linh Chi , Huy Toàn


Lượt xem: 9

Trả lời