Nông dân xã An Phú mất mùa lúa Đông Xuân

Cập nhật 28/3/2020, 15:03:57

An Phú từng được xem là vựa lúa của TP.Pleiku. Thế nhưng những năm gần đây, việc sản xuất lúa của người dân, nhất là vụ Đông Xuân ngày càng gặp khó khăn do nguồn nước không đảm bảo và thường xuyên xảy ra tình trạng khô hạn. Vụ lúa Đông Xuân năm nay lại thêm một mùa vụ buồn đối với nhiều nông dân trên địa bàn.

Gia đình ông Võ Sê đã canh tác trên cánh đồng lúa An Phú được 20 năm nay. Nếu như trước đây với gần 1 sào lúa cũng đảm bảo đủ gạo để cho gia đình ông tiêu dùng và còn dư để bán, thế nhưng vài năm trở lại đây, năng suất lúa liên tục giảm vì nguồn nước tưới ngày càng cạn kiệt. Dù biết khi nguồn nước tưới không đảm bảo sẽ gặp nhiều rủi ro, song gia đình ông không còn cách nào khác và xem như là may rủi trong sản xuất.

Ông Võ Sê – Thôn 7, xã An Phú, TP.Pleiku, Gia Lai chia sẻ: “Năm ngoái được hơn, năm nay mất nhiều. Năm nay chắc đám đây mất 50%, còn lại 50 . Tính ra hết chi phí thì lỗ, lỗ chắc khoảng 30% so với vốn mình đầu tư ra. Nghề mình hồi giờ vậy, giờ bỏ biết lấy gì mà ăn, khổ là ở chỗ đó. Dù lỗ dù lời gì thì cũng phải theo”.

Tình cảnh của ông Võ Sê cũng là khó khăn chung hiện nay của nhiều hộ làm lúa trên địa bàn xã An Phú. Vụ Đông Xuân năm nay, người dân trên địa bàn gieo sạ 40 ha lúa. Biến đổi khí hậu cộng với nguồn nước tưới ngày càng khan hiếm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, khiến  năng suất lúa giảm đáng kể. Điều đáng nói là đập dâng An Phú cũng vừa được nạo vét, nhưng nguồn nước cũng rất khan hiếm.

Anh Nguyễn Phi Khanh – Cán bộ Nông nghiệp xã An Phú, TP.Pleiku, Gia Lai nói: “Xã An Phú nằm cuối công trình thủy lợi, vào vụ tưới cà phê thì người dân xã Chư Á, Thắng Lợi bơm nước tưới cho cà phê nên diện tích cuối nguồn thường xuyên bị khô hạn. Xã cũng khuyến cáo nhân dân giảm diện tích gieo sạ, gieo sạ sớm nhưng năm nay thời tiết lạnh, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch của nông dân nên toàn bộ diện tích 40 ha của nông dân bị giảm năng suất trên 70%”.

Bà Nguyễn Thị Hiệp – Chủ tịch UBND xã An Phú, TP.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Địa phương cũng đã xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa 1 vụ. Theo đó trong giai đoạn 2018-2020 chuyển đổi 70,3 ha, giai đoạn 2020-2025 chuyển đổi trên 100 ha, tập trung ở khu vực lúa sản xuất bị thiếu nước. Một số loại cây trồng định hướng cho bà con chuyển đổi trên  đất lúa bị khô hạn là rau, hoa để phục vụ tiêu dùng,  cung cấp cho các nông hội để liên kết bao tiêu sản phẩm đối với doanh nghiệp”.

Trước tình hình nguồn nước ngày càng khan hiếm, ảnh hưởng đến sản xuất, người dân trên địa bàn xã An Phú đã thực hiện  nhiều biện pháp nhằm khơi thông dòng chảy, tích trữ nước và sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm. Thế nhưng khi thường xuyên phải đối mặt với nhiều may rủi trong sản xuất lúa, người dân trên địa bàn cần mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giảm bớt rủi ro và thiệt hại về kinh tế./.

Thiên Thanh, Lê Thư, Thanh Sáng


Lượt xem: 70

Trả lời