Nông dân trồng mía tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá giảm thấp

Cập nhật 19/1/2019, 15:01:35

Tuy không thuộc Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia, song mía cũng được xem là cây trồng chủ lực của Gia Lai. Tuy nhiên cây trồng này cũng đang vấp phải nhiều khó khăn do tác động giá đường nhập khẩu thấp hơn đường sản xuất trong nước. Đây là nguyên nhân đẩy giá mía trong nước xuống thấp và năm nay là năm thứ 2 liên tiếp nông dân trồng mía trong tỉnh đối mặt với khó khăn do giá mía giảm thấp. Riêng niên vụ mía năm nay lại càng khó khăn hơn do ảnh hưởng thời tiết đã khiến cho hàng ngàn hecta mía trổ cờ ảnh hưởng lớn đến sản lượng và chất lượng mía. Từ khó khăn này, vấn đề đặt ra cho niên vụ mía tiếp theo là, liệu nông dân có còn mặn mà tiếp tục đầu tư phát triển cây mía và trong điều kiện như vậy, các giải pháp để ổn định vùng nguyên liệu sẽ được địa phương, doanh nghiệp tính toán như thế nào?

Anh Lê Quang Hưng, một trong những nông dân trồng mía lâu nay ở thôn Cửu Đạo 1, xã Tú An, thị xã An Khê cho biết: Niên vụ mía 2017 – 2018 với giá thu mua 900 ngàn đồng/tấn 10 chữ đường mà đã không có lãi, thậm chí còn lỗ, đã vậy năm nay giá vừa thấp, năng suất vừa giảm nên mức thua lỗ lại càng nhiều hơn nữa. Theo giá thu mua Nhà máy Đường An Khê đang áp dụng là 800 ngàn đồng/tấn 10 chữ đường, trong đó, giá mía mua tại ruộng 700 ngàn đồng/tấn và hỗ trợ chi phí vận chuyển 100 ngàn đồng/tấn. Với mức giá này,  người trồng mía ước thiệt hại khoảng 20-25% thu nhập/ha so với niên vụ 2017-2018. Giá mía giảm thấp liên tiếp trong 2 năm là điều khiến cho bản thân anh Hưng cũng như nhiều nông dân trồng mía khác trong thôn đang cảm thấy rất phân vân trong việc có nên tiếp tục gắn bó với cây mía nếu tình trạng giá mía thấp như hiện nay vì càng trồng càng lỗ.

Anh Hưng nói: “Đất ở đây chỉ có trồng mía, lâu nay bà con đã quen với cây mía, giờ không làm mía cũng không biết làm gì cho ổn định. Nhưng với tình hình như hiện nay giá mía giảm thấp như vậy, càng trồng càng lỗ. 1 ha lỗ cả chục triệu đồng”.

Không phải đến năm nay bà con nông dân mới có suy nghĩ có nên tiếp tục gắn bó với cây mía hay chuyển sang các loại cây trồng khác để đảm bảo nguồn thu nhập mà ngay trong niên vụ mía 2018-2019 đã có hàng ngàn hecta năm 3, năm 4 thay vì trồng lại mới, bà con đã chuyển sang cây trồng khác. Như địa bàn xã Tú An, thị xã An Khê người dân ồ ạt chuyển sang trồng rau màu các loại.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phương – Thôn Cửu Đạo 1, xã Tú An, thị xã An Khê cũng nói: “Trồng mía lỗ quá nên gia đình chuyển sang trồng bí do thấy giá bí hiện tại cũng cao. Nếu được giá được mùa cũng có lãi chứ trồng mía như hiện nay không có lãi, thậm chí còn lỗ nữa”.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, niên vụ mía 2018-2019, toàn tỉnh có hơn 6.342 ha diện tích trồng mía được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Mặc dù  về phía Nhà máy đường An Khê đã có những dự lường về tác động khi giá mía giảm thấp để có những phương án, kế hoạch ổn định vùng nguyên, song cũng giảm tới 1314 ha.

Ông Nguyễn Hoàng Phước – Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết: “Để ổn định vùng nguyên liệu, giúp nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, nhà máy đã tập trung thực hiện 4 chương trình lớn là cơ giới hóa, hóa học hóa, sinh học hóa và tối ưu hóa trong chi phí nhằm giảm chi phí tối đa cho người trồng mía. Niên vụ 2018-2019, Nhà máy giảm chi phí 15-20% đơn giá cơ giới định mức, riêng cánh đồng lớn giảm 30% so với vụ trước; vùi phân và bón phân bằng máy nhằm giảm thất thoát, bay hơi; đưa vào sản xuất các giống mía mới vào sản xuất, giảm thiểu mọi chi phí từ khâu cày bừa, trồng, chăm sóc, thu hoạch… đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân”.

Khó khăn do giá mía giảm thấp là tình trạng chung hiện nay của cả nước. Với các giải pháp ổn định vùng nguyên liệu, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất mà Nhà máy đường An Khê đã và đang tích cực triển khai thực hiện, hy vọng sẽ phần nào giúp cây mía tiếp tục phát triển trong điều kiện hiện nay. Vì vậy việc chuyển đổi sang cây trồng khác trong thời điểm này cũng cần được bà con nông dân hết sức cân nhắc, tính toán cẩn trọng để tránh tình trạng chạy theo thời giá. Thay vào đó cần hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững dựa trên hình thức: Phát triển cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng trên cùng đơn vị diện tích, bù lại phần giá cả giảm thấp do tác động giá đường nhập khẩu giảm thấp hơn giá đường sản xuất trong nước.

Hồng Uyên,Thanh Sáng


Lượt xem: 79

Trả lời