Nông dân Kbang xuống giống dưa hấu

Cập nhật 11/3/2015, 14:03:58

Hiện nay nhiều nông dân trên địa bàn huyện Kbang đã xuống giống dưa hấu. Đây là loại cây trồng nếu gặp giá thì cho thu nhập khá, còn không thì người trồng sẽ bị thua lỗ nặng. Thực tế là trong những vụ dưa gần đây, không ít hộ phải trắng tay vì dưa hấu không đậu trái, giá bán rẻ gần như là cho không. Hơn nữa là cây trồng ngắn ngày nhưng dưa hấu đòi hỏi kỹ thuật canh tác và công chăm sóc cầu kỳ hơn so với những cây trồng khác. Chính vì vậy mà cùng với việc chăm sóc, các hộ làm dưa cũng đang có chung một sự thấp thỏm, lo lắng.

 

Nông dân Kbang xuống giống dưa hấu.

 

 

Gia đình ông Đặng Hữu Quân ở thôn 1, xã Nghĩa An, huyện Kbang có 1,2 ha đất sản xuất. Năm ngoái nhà ông đã đầu tư hết 80 triệu đồng để trồng dưa hấu; chưa kể các chi phí khác như thuê xe chở dưa đi bán, công cắt… nhưng dưa chỉ bán được hơn 1 ngàn đồng/ký; sang đến Trung Quốc, dưa còn bị hư hỏng nhiều do phải xếp hàng chờ quá lâu. Chính vì thế mà vụ năm ngoái nhà ông bị thua lỗ nặng. Mặc dù năm ngoái bị lỗ với số tiền lớn như vậy nhưng năm nay ông Quân vẫn tiếp tục đầu tư trồng dưa hấu.

 

 

Ông Quân chia sẻ: “Mùa nào thì làm cây ấy, giá cả thị trường không biết như thế nào. Người nông dân chúng tôi cứ làm, nếu thị trường trúng thì người dân no ấm, mất thì cứ hoàn khổ mà phải làm chứ giờ không biết trồng cây gì cho phù hợp với đất này; nếu trời cho mà giá cả được thì kiếm ít còn không có chắc lẽ cũng hoàn tay trắng”.

 

Cây dưa hấu được người dân ươm trong bầu.

 

Ông Trương Minh Phụng-Thôn 1, xã Nghĩa An, huyện Kbang bộc bạch: “Thời tiết làm dưa lúc này cũng đang thuận lợi, có lạnh nhưng mà nắng thì được, ra hoa kết trái thì không biết thế nào; mai mốt giá cả buôn bán thế nào thì không biết”.

 

Qua tìm hiểu các hộ trồng dưa ở khu vực xã Đông, Nghĩa An – Kbang thì nhiều bà con vẫn bất chấp rủi ro để làm dưa với mong đợi trúng thì có thu từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

 

 

Dưa hấu là cây trồng ngắn ngày, bình quân từ 60 đến 70 ngày; cây chịu được khí hậu nóng, nhưng phải được tưới nước và trồng ở khu vực đất thoát nước tốt. Trước khi trồng đòi hỏi phải làm đất, lên luống, trải bạt; xử lý hạt giống, ươm giống; sau khi trồng phải tưới nước, bón phân, tỉa nhánh, sửa dây, chọn trái… Vì thế mà người trồng dưa phải chăm sóc kỳ công, hầu như là thường xuyên có mặt ngoài đồng từ khi trồng đến khi thu hoạch. Hiện nay ruộng dưa của các hộ phát triển tương đối tốt. Thời điểm này, bà con đang tỉa nhánh và chọn trái để nuôi.

 

Chị Nguyễn Thị Tuyết-Thôn 3, xã Đông, huyện Kbang tâm sự: “Mình cũng lo từ giai đoạn đầu trông sao cho giống nó lên đẹp để  mình  làm; trông ra trái đều thì phấn khởi trong người, trông dưa đừng bị bệnh, lo giai đoạn bán các thứ cũng mong muốn bấy nhiêu thôi:”.

 

 

Vụ Đông Xuân này, Kbang có khá nhiều hộ trồng dưa hấu. Ngoài 2 xã Đông, Nghĩa An thì bà con ở các xã phía Nam huyện cũng trồng với diện tích khá nhiều. Cụ thể: Tơ Tung 13 ha, Kông Bờ La 9 ha, Kông Lơng Khơng 5 ha; thậm chí nhiều hộ không có đất vẫn đi thuê đất, nước tưới để trồng dưa.

 

Qua trao đổi ông Bùi Văn Mẫn-Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, huyện Kbang cho biết: “Trong điều kiện này xã cũng vận động các chủ hộ phải rút kinh nghiệm những năm trước làm dưa trên diện tích chủ động nguồn nước, còn phải để đảm bảo nước cho các loại cây trồng khác nếu không sẽ không chủ động được nguồn nước”.

 

Để tránh thiệt hại cho bà con trồng dưa, cơ quan chuyên môn ở huyện cũng đã khuyến cáo bà con nên sử dụng các giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện và những giống mà bà con đã sản xuất mang lại hiệu quả trong thời gian qua. Hy vọng năm nay người trồng dưa Kbang sẽ có một vụ dưa thắng lợi để cải thiện đời sống, tăng thu nhập./.

 

Hồng Hạnh (Đài TT-TH Kbang)


Lượt xem: 398

Trả lời